Cư dân tòa nhà cao nhất Hà Nội Keangnam thua kiện

TTO - Sáng 17-6, sau năm ngày nghỉ nghị án, TAND quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã tuyên án bác đơn khởi kiện của bà T.V.T. với Công ty TNHH một thành viên Keangnam - Vina về việc tính diện tích căn hộ chung cư. 
Bà Lê Xuân Hoa (đại diện nguyên đơn, ngồi bàn bên phải) và bị đơn (bàn bên phải) tại tòa ngày 12-6 - Ảnh: T.L.
Bà Lê Xuân Hoa (đại diện nguyên đơn, ngồi bàn bên phải) và bị đơn (bàn bên phải) tại tòa ngày 12-6 - Ảnh: T.L.
Tòa cũng không chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty Keangnam - Vina yêu cầu bà T. bồi thường hơn 3,2 tỉ đồng tiền bồi thường do hợp đồng mua bán căn hộ bị chậm thanh toán.
Trước đó, ngày 9-3-2012, bà T.V.T. đã có đơn khởi kiện gửi đến Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm đề nghị tòa án tuyên hủy toàn bộ hợp đồng bán căn hộ số A710 được ký giữa bà và Công ty Keangnam.
Theo đơn khởi kiện, tháng 12-2009 bà T. đã ký hợp đồng mua bán căn hộ A710 với Công ty Keangnam.
Căn hộ có tổng diện tích 118,75m2, giá bán 319.394 USD. Tuy nhiên sau khi nộp tiền căn hộ lần 3, bà T. phát hiện việc chủ đầu tư ký hợp đồng mua bán căn hộ chung cư bằng ngoại tệ là vi phạm quy định pháp luật về quản lý ngoại hối.
Khi căn hộ đã được hoàn tất trên thực tế, bà T. đến xem thì phát hiện căn hộ được hình thành không đúng với nội dung trong hợp đồng.
Cụ thể hợp đồng ghi rõ phần diện tích căn hộ là 118,75m2 với phương pháp đo từ tim tường đến tim tường và diện tích sử dụng trên thực tế của căn hộ là không thay đổi.
Nhưng nếu theo cách đo từ tim tường đến tim tường không bao gồm phần diện tích thuộc sở hữu chung (tường, cột, khung chịu lực, hộp kỹ thuật) thì căn hộ của bà T. chỉ còn 103,74m2.
Diện tích bị thiếu so với trong hợp đồng là 15,01m2.
Cho rằng toàn bộ diện tích căn hộ mà mình đã trả tiền phải thuộc sở hữu riêng nhưng Keangnam lại tính toàn bộ diện tích thuộc sở hữu chung của tòa nhà để bán cho khách hàng, bà T. đã nộp đơn khởi kiện ra tòa án.
Tại đơn khởi kiện, bà T. đề nghị tòa án tuyên hủy hợp đồng bán căn hộ giữa bà và Keangnam, buộc Keangnam phải hoàn trả cho bà toàn bộ số tiền căn hộ đã thanh toán hơn 800 triệu đồng.
Theo tòa, việc Keangnam quy định giá trên hợp đồng mua bán căn hộ bằng USD vi phạm điều 22 pháp lệnh ngoại hối.
Tuy nhiên, căn cứ vào nghị quyết 04 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì nếu nội dung hợp đồng kinh tế có thỏa thuận giá cả, thanh toán bằng ngoại tệ trong khi một hoặc các bên không có chức năng thanh toán bằng ngoại tệ nhưng sau đó các bên thỏa thuận thanh toán bằng VND thì giao dịch đó không bị vô hiệu toàn bộ.
Về cách tính diện tích, HĐXX nhận định các bên lựa chọn cách tính từ tim tường đến tim tường theo thông tư 01/2009 và tổng diện tích căn hộ được tính bằng cách đo từ tim tường bao ngoài căn hộ và tim tường ngăn cách giữa các căn hộ.
Hình ảnh thực tế của căn hộ mẫu có thể hiện căn hộ có cột chịu lực, có hộp kỹ thuật số, hộp phòng cháy chữa cháy, phòng bếp, phòng ăn… nguyên đơn được xem và không có ý kiến gì về diện tích căn hộ nên đã ký hợp đồng.
Do vậy không có căn cứ chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về cách tính thông thủy mà cách tính diện tích căn hộ là cách đo tim tường như trong hợp đồng.
HĐXX khẳng định hợp đồng mua bán không vô hiệu toàn bộ, phù hợp với tinh thần của nghị quyết 04 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao. Do hợp đồng quy định giá căn hộ bằng ngoại tệ không phù hợp nên cần xác định lại giá căn hộ sang VND tại thời điểm ký kết là 5,902 tỉ đồng.
Xét yêu cầu phản tố của bị đơn, HĐXX cho rằng bị đơn ký hợp đồng mua bán nhà bằng USD là vi phạm quy định quản lý ngoại hối, vì vậy bà T. tạm dừng thanh toán chờ bị đơn điều chỉnh giá căn hộ cho phù hợp quy định.
Vì các lẽ trên, HĐXX tuyên không chấp nhận đơn khởi kiện của bà T.V.T. về yêu cầu hủy hợp đồng bán căn hộ A710, đồng thời không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn.
Bà Lê Xuân Hoa, đại diện nguyên đơn, và bị đơn nghe tuyên án tại tòa sáng 17-6 - Ảnh: T.L.
Bà Lê Xuân Hoa, đại diện nguyên đơn, và bị đơn nghe tuyên án tại tòa sáng 17-6 - Ảnh: T.L.
http://tuoitre.vn/tin/phap-luat/20150617/cu-dan-toa-nha-cao-nhat-ha-noi-keangnam-thua-kien/762918.html

Dễ hớ với lãi suất thả nổi

Khách hàng cần đọc kỹ hợp đồng tín dụng, các điều khoản liên quan đến lãi suất những năm tiếp theo, phí phạt trả nợ trước hạn... để tránh bị thiệt khi lãi suất thả nổi theo thị trường

Nhiều ngân hàng (NH) thương mại tung ra các gói tín dụng ưu đãi, lãi suất chỉ 6%-7%/năm trong 3-6 tháng đầu; còn những năm tiếp theo, lãi suất lại là ẩn số.

Mập mờ cách tính lãi suất

Sau khi Báo Người Lao Động đăng bài “È cổ trả lãi NH”, nhiều người đang vay tiền mua nhà cho biết thường chỉ để ý số tiền gốc và lãi phải trả mỗi tháng, ít khi quan tâm đến lãi suất mình đang phải trả là bao nhiêu và NH điều chỉnh có đúng hợp đồng tín dụng đã ký hay không.

Nhiều ngân hàng tung ra các gói tín dụng lãi suất chỉ 6%-7%/năm
trong 3-6 tháng đầu; còn những năm tiếp theo, lãi suất lại là ẩn số
Ảnh: TẤN THẠNH
Anh Trần Văn Độ (ngụ đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9, TP HCM) cho biết cuối năm 2013, anh vay hơn 400 triệu đồng của một NH TMCP với lãi suất cố định trong năm đầu tiên 9,9%/năm. Hai năm tiếp theo, lãi vay được tính bằng lãi suất huy động kỳ hạn 24 tháng + biên độ 3%, các năm tiếp theo lãi vay được tính bằng lãi suất huy động kỳ hạn 24 tháng + biên độ 5%.

“Do đang cần vay tiền gấp nên NH đưa bản hợp đồng là tôi ký ngay, thay vì có bản nháp để nghiên cứu trước các điều khoản. Lúc ký xong, tham khảo lãi suất ở một vài NH khác, tôi mới nhận ra mức 9,9%/năm trong năm đầu không hề thấp, những năm tiếp theo tính lãi suất huy động + biên độ 5% cũng là khá cao” - anh Độ nhận xét. Ngoài ra, đến giờ anh Độ mới để ý phí phạt trả nợ trước hạn trong hợp đồng quá cao khiến anh không dám tất toán sớm vì sợ bị phạt.

Theo anh Dương Hồng Anh (ngụ chung cư Ehome 2, quận 9), khoản tiền anh vay mua nhà từ năm 2010 của một NH cổ phần có hội sở tại Hà Nội đến nay vẫn còn dư nợ 120 triệu đồng và đang phải chịu lãi suất 14,4%/năm. Trong hợp đồng tín dụng, NH ghi rõ mỗi quý điều chỉnh lãi suất 1 lần nhưng đã 4-5 tháng nay, anh vẫn phải trả lãi ở mức 14,4%/năm.

“Thời điểm vay tiền, hợp đồng tín dụng ghi mức lãi vay được tính bằng lãi suất huy động trung dài hạn + biên độ 7% nhưng tôi không để ý. Đến năm 2013, NH kêu tôi ký lại hợp đồng (sau khi có sổ hồng) và tự động thay đổi cách tính lãi vay bằng lãi suất huy động trên 12 tháng + 4% biên độ, mới biết lúc đầu mình bị áp lãi suất quá cao” - anh Hồng Anh phản ánh.

Phải rõ ràng về lãi suất, phí phạt

Chị Nguyễn Thị Liên (ngụ quận 12, TP HCM) cho biết tháng 10-2013 chị vay 330 triệu đồng tại một NH với lãi suất 12%/năm cố định trong 2 năm đầu. Thời điểm đó rất nhiều NH chào lãi suất ưu đãi trong 6 tháng đầu nhưng chị không quan tâm vì sợ lãi suất thấp lúc đầu nhưng sau đó tăng cao. Lãnh đạo một NH lý giải với mức cho vay 6%-7%/năm trong năm đầu, NH không thể có lãi vì huy động dài hạn hiện đã cao hơn 6%/năm, chưa kể dự trữ bắt buộc, chi phí hoạt động nên NH thường chịu lỗ năm đầu để thu hút khách hàng. Do đó, việc NH đưa ra phí phạt trả nợ trước hạn nhằm bù vào mức lãi suất ưu đãi này. Tuy nhiên, phí phạt chỉ nên tượng trưng và phải ghi rõ trong hợp đồng.

Phó Tổng giám đốc NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) Nguyễn Minh Tâm lưu ý hợp đồng tín dụng thường rất dài nhưng khách hàng chỉ cần chú ý một vài điểm quan trọng như phí phạt trả nợ trước hạn, cách tính lãi suất trong tương lai bằng cách quy về hiện tại xem có hợp lý hay không. Chẳng hạn, lãi suất trung dài hạn ở các NH hiện khoảng 7%-8%/năm, nếu cộng biên độ 3% là cho vay 10%-11%/năm là hợp lý. Trong hợp đồng, cần thể hiện cách tính lãi suất rõ ràng để khách hàng biết, không nên mập mờ theo kiểu “lãi suất thả nổi theo thị trường hoặc theo lãi suất tham chiếu của NH”.

Chuyên gia tài chính NH, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết ở Mỹ, ông dễ dàng vay được khoản tiền mua nhà trong 30 năm với lãi suất thấp và ổn định; trong khi Việt Nam, lãi suất điều chỉnh rất cao do thị trường vốn hạn chế. Việc một số NH đưa ra mức lãi suất rất thấp để chào mời khách hàng nhưng sau đó lại tăng cao khiến khách hàng trót “sa lầy” nên không rút ra được. “Khách hàng vay tiền mua nhà phải yêu cầu NH nói rõ cách tính lãi suất trong tương lai và phải đưa ra dự báo biến động lãi suất bởi khách hàng thường nắm dao đằng lưỡi” - TS Hiếu nhận xét.

Ông Trương Đình Long, Phó Tổng giám đốc NH TMCP Phương Đông (OCB), thừa nhận khách hàng rất do dự khi vay tiền mua nhà do một số NH áp dụng chính sách thả nổi lãi suất sau thời gian đầu khuyến mãi. Thậm chí, sau 1-2 năm, khách hàng cũng không biết lãi suất huy động lúc đó ra sao để tính toán lãi suất cho vay, có ổn định hay không. Hiện OCB đang nghiên cứu tung ra gói lãi suất cho vay cố định trong 3 năm đầu chỉ 9,9%/năm để giải quyết vấn đề này của khách hàng. Ba năm sau, lãi suất nếu biến động mạnh, NH sẽ thỏa thuận lại với khách hàng.
Cân đối thu nhập với khoản vay
TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính NH, khuyến cáo người mua nhà phải tính toán thật kỹ trước khi quyết định vay vốn NH. Trên thực tế, nhiều NH công bố lãi suất cho vay mua căn hộ 0%/năm trong 6-9 tháng đầu. Đây là hình thức khuyến mãi để hút khách hàng vay tiền, còn lãi suất những năm tiếp theo sẽ theo thị trường. Nếu không cân nhắc thận trọng khả năng tài chính của mình và dự báo được lãi suất vay những năm tiếp theo, người vay sẽ gặp nhiều rủi ro.

THÁI PHƯƠNG

Nguồn: Người Lao Động

È cổ trả lãi ngân hàng

Chỉ trong vòng 6 năm vay tiền ngân hàng để mua nhà, nhiều khách hàng đã phát hoảng khi tổng tiền lãi phải trả xấp xỉ tiền gốc và gần bằng giá trị căn nhà

Chị Nguyễn Song Ái - ngụ quận Gò Vấp, TP HCM - cho biết sau 6 năm gồng gánh khoản lãi suất vay ngân hàng (NH) để mua căn hộ chung cư, chị phải quyết định tất toán khoản nợ còn lại bằng cách bán căn hộ này.

Tiền lãi nhiều hơn tiền gốc

Năm 2008, chị Ái vay 600 triệu đồng từ NH TMCP Việt Á để mua căn hộ chung cư trên đường Dương Đình Hội (quận 9) với lãi suất ban đầu 16%/năm. Sau đó, lãi suất tăng dần qua các năm và đỉnh điểm chị phải trả 23%/năm. Đến thời kỳ lạm phát được kiểm soát, mặt bằng lãi suất hạ dần nhưng NH không giảm cho khách hàng vay cũ. Khoản vay 600 triệu đồng của chị Ái tiếp tục bị áp lãi suất 19%/năm.

Thời điểm năm 2010 khi lãi suất lên trên 20%/năm, tiền lãi tăng từng ngày. Làm bạc mặt chỉ để trả lãi NH” - chị Ái nhớ lại. Đến năm 2011, không chịu nổi lãi suất cao và được một NH khác đồng ý mua lại khoản nợ này, áp dụng lãi suất 16,5%/năm nên chị Ái quyết định tất toán rồi chuyển nợ sang NH mới. Thế nhưng suốt một năm đầu, lãi suất chỉ giảm được 0,5%/năm nên gia đình chị tiếp tục “è cổ” ra đóng lãi.

Từ đầu năm 2014, lãi suất huy động giảm mạnh và mỗi lần giảm, chị lại yêu cầu NH điều chỉnh nên lãi suất giảm còn 12,5%/năm. Đến tháng 9, lãi suất khoản vay của chị Ái còn 12%/năm trước khi chị tất toán.

Quá mệt mỏi, tôi quyết định bán căn hộ, đi thuê nhà ở cho khỏe. Qua 6 năm, giá mua căn nhà lúc đầu 880 triệu đồng, sau khi vay NH tính cả gốc và lãi lên trên 1,4 tỉ đồng. Cách đây một tháng, tôi bán căn hộ chỉ được 870 triệu đồng. Tính ra tiền lãi trả trong 6 năm trên 500 triệu đồng” - chị Ái bộc bạch.

Nhiều người vay tiền ngân hàng để mua căn hộ chung cư
đến nay vẫn phải chịu lãi suất rất cao, từ 13%-15%/năm
Nhiều khách hàng khác cũng rơi vào tình trạng tương tự do không dự báo được mức lãi tăng quá cao. Chị Lê Thị Bích Phượng (ngụ quận Bình Thạnh) cho biết năm 2010, chị vay 800 triệu đồng từ NH TMCP Quốc tế (VIB) để mua nhà, lãi suất ban đầu là 13%/năm. Sau đó, lãi suất liên tục tăng theo lạm phát và đỉnh điểm khoản vay của chị Phượng phải gánh lãi suất 25%/năm.

Có tháng, cả gốc và lãi gia đình tôi phải trả tới 21-22 triệu đồng, hoa cả mắt. Giờ nhớ lại vẫn thấy sợ” - chị Phượng nói. Sau nhiều lần điện thoại đến NH thắc mắc, hiện khoản vay của chị Phượng vẫn chịu mức lãi suất 13%/năm. Tính ra, trung bình mỗi tháng, chị Phượng phải trả 17-18 triệu đồng cả tiền gốc và lãi, trong đó tiền gốc chỉ hơn 6,6 triệu đồng/tháng.

Khách hàng bị “o ép”

Theo ghi nhận của phóng viên, rất nhiều khách hàng đang phải trả lãi NH cho các khoản vay mua nhà từ 2-3 năm trước với mức trung bình 13%-15%/năm, thậm chí có người phải trả lãi vay đến 17%/năm.

Chị Vũ Thị Ngọc Hà (ngụ đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9) cho biết năm 2010, chị vay 500 triệu đồng của NH Việt Á, trả theo tiến độ để mua căn hộ chung cư ở quận 9. Lãi suất ban đầu thấp nhưng có thời điểm lên tới 25%/năm. Đến khi lãi suất giảm dần, NH nhất quyết không điều chỉnh giảm cho khoản vay cũ.

NH chỉ nói chưa đến kỳ điều chỉnh hoặc chưa có chương trình và nại đủ lý do để không giảm hoặc giảm rất ít. Tháng 9 vừa rồi, một NH khác có chào lãi suất 10%/năm trong năm đầu và đảo nợ cho khoản vay 300 triệu đồng còn lại nên tôi chấp nhận đóng phí phạt, chuyển nợ sang NH này. Đáng nói, đến lúc tất toán tại NH Việt Á, lãi suất vẫn là 17%/năm” - chị Hà bức xúc.

Lý giải về sự “o ép” này, phó tổng giám đốc một NH thương mại ở TP HCM cho biết lãi suất vay cũ của khách hàng được lấy từ nguồn huy động cũ của NH nên không thể so sánh với lãi suất thấp của các khoản vay mới. Chẳng hạn, 6 tháng trước, NH huy động tiền gửi với lãi suất 10%/năm, cho vay ra 12%-14%/năm, trong khi hiện tại lãi suất tiền gửi chỉ còn 5%/năm nên rất khó so sánh.

Lãi suất vay của khách hàng cũ sẽ giảm dần theo xu thế hiện nay nhưng phụ thuộc vào hợp đồng tín dụng đã ký và thường điều chỉnh 3-6 tháng/lần. Riêng đảo nợ thì bản thân NH không thể đảo nợ cho chính khách hàng của mình, khách hàng chỉ có thể tất toán khoản vay cũ, rồi vay mới để có lãi suất thấp hơn” - vị này nói.

Một lãnh đạo ngân hàng thương mại cổ phần cho rằng cho vay mua nhà, NH phải huy động nguồn vốn trung dài hạn nên không thể tùy tiện hạ lãi suất hoặc cho phép đảo nợ sẽ làm “vỡ kế hoạch” của NH. Người vay có thể thắc mắc sao chưa được hạ lãi suất nhưng do NH nhận định dựa vào độ rủi ro của mình, với những người vay được đánh giá tốt, NH đã chủ động điều chỉnh.

Không phải cao mà… rất cao

Nhận xét về lãi suất các khoản vay cũ, chuyên gia tài chính - TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng các mức lãi suất này không phải cao mà là rất cao! Tuy nhiên, khi khách hàng yêu cầu giảm lãi suất cho vay theo đà của lãi suất huy động, NH thường viện vô vàn lý do để chậm điều chỉnh mà phổ biến nhất là chưa tới kỳ điều chỉnh trong hợp đồng tín dụng. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, NH thường “cột” khách hàng vào hợp đồng tín dụng có giá trị trong suốt thời gian vay khiến khách hàng không thể phản đối.

Gần đây, một số NH sẵn sàng cho vay đảo nợ đối với những khách hàng đang có khoản vay cũ ở một NH khác với lãi suất thấp hơn. Đây không phải là hình thức mới nhưng trong quá khứ, đảo nợ thường được một số NH áp dụng để xử lý nợ xấu nên bị lạm dụng. Do đó, hiện tại khách hàng muốn đảo nợ không phải dễ, phải có quá trình trả nợ tốt và không vướng nợ quá hạn” - TS Hiếu phân tích.

148.000 tỉ đồng vốn vay đang gánh lãi suất 15%/năm
NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM cho biết khoản vay có lãi suất trên 12%/năm hiện chiếm khoảng 20% tổng dư nợ. Tính đến cuối tháng 10, tổng dư nợ trên địa bàn TP HCM đạt hơn 1,01 triệu tỉ đồng, tính ra có hơn 200.000 tỉ đồng đang phải chịu lãi suất trên 12%/năm.
Trong khi đó theo NH Nhà nước, trên địa bàn cả nước tính đến đầu tháng 10-2014 vẫn còn khoảng 4,12% tổng dư nợ đang phải gánh lãi suất trên 15%/năm. Tổng dư nợ của nền kinh tế đến tháng 7-2014 khoảng 3,3 triệu tỉ đồng, tính ra số vốn vay đang gánh lãi suất trên 15%/năm là 148.000 tỉ đồng.

Bài và ảnh: THÁI PHƯƠNG

Nguồn: Người Lao Động 

Bé trai 4 tuổi khỏe mạnh sau cú rơi từ lầu 10 chung cư Nguyễn Biểu

Bốn ngày sau khi rơi từ lan can căn hộ ở lầu 10 xuống đất, bé Đặng Gia Nam ở quận 5, TP HCM, vẫn chạy nhảy đùa nghịch như chưa hề bị nạn.

Sáng 29/10, chỉ sau một ngày xuất viện, Nam trông khỏe mạnh như bao trẻ khác trong căn hộ số 10 chung cư Nguyễn Biểu. Sau buổi ăn sáng cùng người lớn, cậu bé hết chạy ra ngoài hành lang lại vào phòng đòi bà mở tivi xem. Theo gia đình, Nam ngủ ngon, ăn khỏe và hiếu động như lúc chưa xảy ra tai nạn.
Bé Nam bình phục nhanh sau cú rơi từ lầu 10. Ảnh: Thiên Chương

"Chúng tôi không thể tin nó có thể bình phục nhanh như vậy sau cú ngã", bà Bùi Thị Thoa, cho biết.

Nói về sự may mắn khó tin xảy ra với gia đình mình, bà Thoa - người ở cùng bé Nam khi xảy ra tai nạn cho biết - khoảng 11h ngày 25/10, cha mẹ Nam đi làm còn bà nấu ăn ở khu bếp căn hộ số l0 lầu 10 lô A, chung cư 109 Nguyễn Biểu (quận 5) và quên để ý đến Nam. Đến khi nhớ ra bà đi tìm thì không thấy cậu bé.

"Tôi hớt hải tìm cháu ở cầu thang chung cư nhưng không thấy. Ngay sau đó có người ở tầng dưới la lên là bé bị rơi xuống đất. Lúc này tôi mới để ý khu vực phía sau căn hộ có chiếc ghế nhựa để gần lan can. Có lẽ thằng bé dùng nó để leo lên", bà Thoa nói.

Chị Hoa, sống ở lầu 3 chung cư cho biết, đang làm việc nhà thì chị nghe tiếng động như ai đó vứt bao rác từ trên cao xuống. "Tôi lầm bầm không hiểu ai ăn ở vô ý thức như vậy thì nghe có tiếng người lao xao bên dưới. Nhìn xuống đất, tôi thấy nhiều người vây quanh bé Nam", chị Hoa kể.

Lô A chung cư 109 Nguyễn Biểu
nơi bé Nam bị rơi là lô căn hộ có 15 tầng.
Ảnh: Thiên Chương
Một nhân chứng khác cho hay bé trai rơi xuống khi ông có mặt gần đấy. "Tôi nghe một tiếng huỵch rất to. Quay lại, tôi thấy bé Nam nằm trên mảnh đất trồng rau của một hộ ở tầng trệt. Ban đầu bé nằm bất động theo tư thế nghiêng. Vài phút sau nó rên khóc và có vẻ tỉnh táo dù người lấm lem bùn đất. Lúc này mới thấy bà của bé hớt hải chạy đến", ông này nói.

"Tôi cứ nghĩ nó mê sảng, lên xe taxi chuyển đến bệnh viện nó vẫn luôn miệng kêu đau. Không chỉ mình tôi mà những người chứng kiến không ai nghĩ thằng bé có thể sống bởi tính từ lầu 10 xuống đất phải 30 mét", bà của bé nói.

Bệnh viện Chợ Rẫy ghi nhận bé Nam nhập viện "do té từ lầu cao". Tuy nhiên, kết quả chẩn đoán khiến cả bác sĩ và gia đình kinh ngạc bởi ngoài vết bầm ở mặt, bệnh nhi không bị xuất huyết nội tạng, không bị tổn thương nội tạng, sọ não cũng không bị tổn thương và khung xương hoàn toàn lành lặn.

Ngày 28/10, sau gần 3 ngày nằm viện, do không có biểu hiện bất thường, bé Nam được các bác sĩ cho xuất viện. "Thật khó tin một đứa trẻ rơi từ lầu 10 lại không bị một tổn thương nghiêm trọng nào. Có lẽ bé may mắn khi rơi xuống trong tư thế nghiêng và rơi vào đúng mảnh đất mềm xốp của vườn rau", một bác sĩ khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy nói.

Thành lan can của căn hộ nơi bé trai bị ngã có chiều cao qua vai người trưởng thành. "Độ cao hoàn toàn có thể khiến người lớn an tâm nếu bé trai không quá hiếu động, bắc ghế leo lên thành lan can", một cư dân chung cư Nguyễn Biểu nói.

Thiên Chương

Nguồn: VNExpress.net (29/10/2014)

Bất an ở chung cư Era Town

Vào lúc 10h sáng ngày 9/10, tại chung cư Kỷ Nguyên Era Town đã xảy ra vụ xô xát giữa trưởng ban quản lý chung cư và người thuê căn hộ. Theo đánh giá của cư dân, đây là giọt nước làm tràn ly bởi trước đó nhiều bức xúc của người dân không được giải quyết thỏa đáng.

Mất trộm không được đền bù

Chung cư Kỷ Nguyên trên đường 15B (P. Phú Mỹ Q. 7 TPHCM) có diện tích 10,8ha gồm 9 block nhà với 3.036 căn hộ. Chung cư Kỷ Nguyên do công ty cổ phần Đức Khải làm chủ đầu tư có tổng vốn đầu tư gần 4.765 tỷ đồng.

Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, hiện nay đã có hơn 50% căn hộ có cư dân sinh sống. Thế nhưng, những người dân sống nơi đây luôn gặp những điều phiền toái mà nhiều lần phản ánh lên ban quản lý chung cư đều không được giải quyết rốt ráo.

Trường hợp xảy ra xô xát bắt nguồn từ vụ mất trộm trước đó. Bà Nguyễn Thị Kim Hoa, chủ siêu thị Hoa Đình cho biết, ngày 8/10, bà phát hiện kẻ gian cạy cửa lấy đi một máy tính tiền trong đó có 10 triệu đồng tiền mặt. Bà đã báo sự việc lên ban quản lý nhưng những người có trách nhiệm vẫn “bình chân như vại”.

 Chung cư Kỷ Nguyên (The Era Town)
Được biết, hàng tháng siêu thị của bà phải đóng 11.000đ/m2 phí quản lý nhưng chất lượng phục vụ của ban quản lý đối với cư dân trong chung cư tỏ ra rất tệ hại.

Theo bà Hoa: “Ngay khi xảy ra mất cắp, tôi đã báo ngay cho ban quản lý nhưng ông Nguyễn Thống Nhất, trưởng ban quản lý chối bỏ trách nhiệm và không có mặt tại hiện trường để giải quyết. Nhân viên ban quản lý đã ngăn cản tôi không cho gọi công an vì sợ nhiều người biết. Sự việc kéo dài đến hôm sau khi ông Nhất đến cho biết BQL chỉ có trách nhiệm bảo vệ chung không bảo vệ từng căn hộ và nhất định không chịu đền bù thiệt hại khi chúng tôi yêu cầu”.

Bà Hoa đã viết một tấm biển dán ngay trước siêu thị để cảnh báo mọi người: “Qua vụ mất cắp tại siêu thị, tôi muốn gởi lời cảnh giác đến cư dân rằng hôm nay nạn nhân là tôi nhưng vài ngày nữa sẽ không biết nhà ai bị cạy cửa. Chúng ta không thể nào tin tưởng BQL chung cư vỉ tiền thì họ nhận đủ nhưng khi xảy ra sự việc thì chối bỏ trách nhiệm”.

Bà Hoa cho biết thêm đây không phải lần đầu trộm cắp “tấn công” siêu thị. Trước đó đã từng có vụ trộm đột nhập giật đồ trong siêu thị và bỏ chạy.

Trước đó, ngày 7/9, anh Nguyễn Khánh Minh ngụ tại căn hộ 25.15 block A3 phát hiện mình bị mất hơn 10 triệu đồng, 1 đôi bông tai, 1 vỏ bông hột xoàn trong lúc cả nhà anh đi vắng. Sự việc được báo cho ban quản lý chung cư.

“Sau hơn 1 tháng, đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ ban quản lý. Căn hộ của tôi có diện tích 97m2, với mức phí quản lý 7 ngàn đồng/m2/tháng (đối với hộ dân- PV). Như vậy mỗi tháng tôi đóng gần 700 ngàn đồng. Tuy nhiên, khi tôi bị mất trộm, ban quản lý không hề đề cập đến chuyện bồi thường”. Anh Minh nói.


Siêu Thị Hoa Đình nơi xảy ra xô xát giữ trưởng ban quản lý và chủ siêu thị.
Nhiều cư dân rất lo lắng về tình hình an ninh tại đây. Nhiều người cho biết thỉnh thoảng gặp người lạ xuất hiện tại hành lang chung cư. Với quy mô hơn 3.000 căn hộ, mỗi block nhà 30 tầng nhưng không hề có camera quan sát. Trong trường hợp xảy ra mất trộm thì cũng khó điều tra.

“Chọn ở chung cư vì an ninh và có thể yên tâm khóa cửa đi làm. Nhưng, tình trạng trộm cắp, không camera, không ai chịu trách nhiệm đền bù như hiện nay khiến nhiều cư dân vô cùng hoang mang” – Cư dân bức xúc.

Nỗi ám ảnh thang máy và còi báo cháy

Bên cạnh yếu tố an ninh là tình trạng không an toàn. Thang máy kẹt, rơi đã trở thành nỗi ám ảnh của cư dân. Tùy theo thiết kế, mỗi block nhà được trang bị từ 4-6 thang máy. Trong đó, nhiều thang thường xuyên không hoạt động, kể cả giờ cao điểm. Thậm chí, những ngày mưa lớn, hệ thống thang máy của block A4 tê liệt hoàn toàn. Đến nay, Ban quản lý chung cư vẫn chưa đưa ra được câu trả lời thỏa đáng.

Tấm biển được bà Hoa
dán trước cửa siêu thị.
Đáng sợ nhất là chuyện thang máy rơi. Chị Diệu Văn ở block A5 cho biết có lần thang rơi ba tầng rồi dừng lại. Cửa kẹt cứng. Bấm chuông kêu cứu nhưng không hề nhận được sự hỗ trợ từ Ban quản lý dù thời điểm xảy ra sự việc mới khoảng 16 giờ. Gần 15 phút sau, cửa thang máy bất ngờ tự mở. Một cư dân khác cũng ở block A5 cho biết con gái chị, mới ba tuổi, sợ rúm người mỗi khi vào thang.

Công tác phòng cháy chữa cháy cũng khiến nhiều cư dân mất ăn mất ngủ. Nhiều cư dân cho biết nhân viên giữ xe ở tầng hầm hút thuốc lá ngay trong khu vực cấm hút thuốc.

Đáng lo nhất là thiết bị báo cháy tùy tiện hoạt động. Anh Lê Trung Kiên, một cư dân, viết trên diễn đàn: “Mình thấy ức chế rồi đó. 23 giờ 6 phút chuông báo cháy reo. Hỏi rằng có ai yên tâm mà sống không cơ chứ”.

Kim Li, một cư dân khác cùng chung tâm trạng: “Bây giờ là 23 giờ, chuông báo cháy ở B3 lại kêu ầm ĩ. Sau đó là sự im lặng mà không có bất cứ một thông báo nào từ Ban quản lý. Có cả hệ thống loa ở các hành lang mà Ban quản lý bị câm hay sao mà không thông báo nổi một câu? Có cháy hay không, xử lý rồi hay chưa cũng phải thông báo cho người ta biết chứ. Cứ cái kiểu này chắc loạn óc vì chuông báo cháy quá”.

Theo các cư dân, việc báo cháy giả gây cảnh dở cười dở mếu. Có cụ già phải bế cháu chạy thang bộ từ tầng 30 xuống đất ngày mấy lượt. Chạy đến đất cụ mới phát hiện chuông chỉ reo cho “vui”. Điều đáng sợ là sau một thời gian chạy thang bộ vì chuông báo giả thì giờ cư dân có nghe chuông reo ầm ĩ cũng không thèm chạy nữa.

Nói về chuyện này, một cư dân bày tỏ: “Mỗi lần chuông báo cháy vang lên, tôi mở cửa bước ra hành lang. Cả hành lang vắng lặng. Các hộ vẫn đóng cửa vì mọi người đã "quen" với cái kiểu báo động này. Nếu mà có cháy thật thì sao đây?”.

Ông Lê Hùng Cường, Trợ lý pháp lý giám đốc công ty cổ phần Đức Khải cho biết ông chưa hề nghe về tình trạng thang máy xảy ra sự cố. Tuy nhiên hiện thang máy còn trong thời gian bảo hành nên đơn vị bảo hành thang máy sẽ xử lý ngay.

Trường hợp hệ thống phòng cháy chữa cháy có vấn đề, ông Cường xác nhận có một số đầu báo cháy bị lỗi. Mỗi lần có báo cháy, nhân viên ban quản lý xác định vị trí và có mặt ngay tại chỗ. Cũng như thang máy, hệ thống PCCC cũng đang trong thời gian bảo hành và mọi xử lý đều do dơn vị bảo hành đảm trách.

Riêng với trường hợp trộm cắp, ông Cường cho biết công ty không hề nhận được báo cáo từ ban quản lý chung cư. Tuy nhiên qua tìm hiểu được biết sau khi xảy ra va chạm giữa ban quản lý và siêu thị Hoa Đình, BQL chung cư đã làm việc trực tiếp với bà Hoa và sau đó tấm biển dán trước siêu thị đã được gỡ xuống. Việc này thuộc thẩm quyền của ban quản lý chung cư và hộ dân.

Trao đổi với chúng tôi, ông Cường cho biết thêm ban quản lý dự án đang khẩn trương hoàn chỉnh các hạng mục còn dang dở. Sau khi hoàn tất sẽ bàn giao chung cư về cho ban quản lý. Bên cạnh đó, công ty đang chờ đợi giấy đồng ý đưa vào sử dụng của bộ Xây Dựng. Có đủ các yếu tố đó, chúng tôi sẽ tiến hành tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu ra ban quản lý chính thức điều hành mọi việc.

Môi trường sống ở chung cư The Era Town khá tốt. Khu công viên rộng rãi khoáng đãng, nhiều người đã chọn nơi đây làm tổ ấm lâu dài. Thế nhưng, theo nhiều cư dân, do cách điều hành của ban quản lý (hiện tại thuộc chủ đầu tư là công ty cổ phần Đức Khải) không chuyên nghiệp và thiếu trách nhiệm đã gây ra nhiều bức xúc cho cư dân. Bà con đang kiến nghị chủ đầu tư Đức Khải tổ chức hội nghị nhà chung cư và bầu quản trị theo luật định. Ban quản trị là đại diện của cư dân, do họ bầu ra, có quyền chọn thuê một đơn vị làm dịch vụ quản lý chung cư chuyên nghiệp và minh bạch.

Trần Chánh Nghĩa

Nguồn: Vietnamnet (14/10/2014)