“Chỉ đáp ứng chữa cháy hiệu quả từ tầng 10 trở xuống”

ực lượng chức năng đang dùng xe thang
để phun nước dập tắt đám cháy. 
(Dân trí) - “Với các xe chuyên dụng và phương tiện hiện có, lực lượng PCCC Hà Nội chỉ đáp ứng chữa cháy hiệu quả từ tầng 10 trở xuống; nếu cao hơn, việc chữa cháy không hiệu quả. Rất may vụ cháy tòa nhà JSC 34 ở tầng 16 nên mới bắc thang đưa được người xuống”.

Trao đổi với Dân trí vào chiều ngày 11/3, thượng tá Nguyễn Đình Bính - Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC (CATP Hà Nội) - cho biết: Công an TP Hà Nội đã tiến hành tổ chức kiểm tra an toàn PCCC các nhà cao tầng, đặc biệt chú trọng đến các nhà chung cư, tái định cư. Kết quả kiểm tra cho thấy, hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội có trên 364 nhà cao tầng (từ 10 tầng trở lên) được sử dụng làm khách sạn, trung tâm thương mại, văn phòng, chung cư cao cấp, chung cư phục vụ tái định cư… Hầu hết các nhà chung cư đều được cơ quan PCCC thẩm duyệt PCCC trước khi thi công, nghiệm thu hệ thống PCCC trước khi đi vào hoạt động. Trong đó, tòa nhà cao nhất hiện nay có độ cao 34 tầng.

Qua đợt kiểm tra, ông nhận thấy khả năng PCCC tại các tòa nhà chung cư hiện nay ra sao?

Trong quá trình khai thác sử dụng các nhà chung cư chưa đảm bảo an toàn PCCC, cụ thể: Không được bảo dưỡng, bảo trì, vận hành thường xuyên nên hệ thống PCCC, hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn thoát nạn tại các tòa nhà bị hỏng, không hoạt động được.

Lực lượng bảo vệ tại các tòa nhà ít, chưa được huấn luyện đầy đủ nghiệp vụ PCCC, khi xảy ra cháy rất lúng túng trong quá trình vận hành các hệ thống PCCC đã được trang bị. Ý thức chấp hành các quy định của một số công dân sống trong tòa nhà rất kém, còn đun nấu, để các đồ dùng gia đình tại hành lang thoát nạn, đốt vàng mã không đúng nơi quy định, đổ tro, than đang cháy vào ống để rác… gây cháy. Như 2 vụ cháy xảy ra tại nhà cao tầng 25 Vũ Ngọc Phan, quận Đống Đa (20/6/2009) và tại chung cư CT4-1 Khu đô thị Mễ Trì Hạ, huyện Từ Liêm (20/12/2009)

Tại nhiều tòa nhà, người dân đã cho thuê để làm văn phòng hoặc kinh doanh buôn bán, do đó mật đồ người trong tòa nhà tăng cao, ảnh hưởng đến công tác thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Mặt khác, do chuyển đổi công năng từ nhà ở sang làm văn phòng nên sử dụng nhiều thiết bị điện, dẫn đến tình trạng quá tải, chập điện gây cháy như: Công ty CP tư vấn khoa học công nghệ xây dựng, thuê tại căn hộ 806 nhà cao nhất Hà Nội 34T Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, cửa vào các buồng thang thoát nạn không tự đóng, buồng thang không lắp quạt tăng áp theo quy định; tại nhiều tòa nhà đã khóa cửa thoát nạn tầng 1 bảo vệ. Thang máy không được kết nối với hệ thống chữa cháy, nên khi có sự cố cháy, nổ thang máy sẽ dựng lại ngay hoặc chỉ chạy đến tầng gần nhất nên ảnh hưởng tới thoát nạn.

Trên vỉa hè một số khu chung cư trồng cây xanh quá liền nhau, dây điện, dây thông tin đi nổi, bị võng; đường giao thông cách xa tòa nhà, thậm chí xe chữa cháy không đi được do đường giao thông quá hẹp, ảnh hưởng lớn đến công tác tổ chức chữa cháy.

Ngoài những nguyên nhân trên, còn do các đơn vị quản lý tòa nhà không được cấp kinh phí để duy tu, bảo dưỡng định kỳ hệ thống chữa cháy; lực lượng bảo vệ và người dân sống trong tòa nhà không có sự phối hợp chặt chẽ khi có sự cố cháy, nổ xảy ra; nhiều tòa nhà không có cơ quan quản lý, do đó hệ thống PCCC không hoạt động.

Năng lực chữa cháy của lực lượng chuyên nghiệp hiện nay ra sao, thưa ông?

Các nước có cả máy bay để chữa cháy nhà cao tầng. Tôi cũng được biết ta có hai máy bay để chữa cháy nhưng hiện chỉ khả dụng trong việc cứu cháy rừng. Phòng cảnh sát PCCC Hà Nội hiện có 50 xe chuyên dụng bao gồm xe chữa cháy, xe thang, xe tiếp nước. Trong đó có một xe thang loại 52 m (độ vươn cao khoảng tầng 16 nhà cao tầng) và 2 xe thang loại 32 m. Với các xe chuyên dụng và phương tiện hiện có, lực lượng PCCC mới chỉ đáp ứng chữa cháy hiệu quả từ tầng 10 trở xuống.

Nếu cao hơn, áp lực nước sẽ giảm, việc chữa cháy sẽ không đem lại hiệu quả khi nước nhỏ giọt. Rất may vụ cháy tòa nhà JSC 34 chỉ ở tầng 16 nên mới bắc thang đưa được người xuống. Nhu cầu cho cả 29 quận, huyện của Hà Nội phải tầm khoảng 29 đội chữa cháy. Trong thực tế, Hà Nội mới chỉ có… 9 đội.

Vậy với những tòa nhà cao tầng có độ cao trên 10 tầng, nếu không may hỏa hoạn bùng phát tại các tầng cao hơn tầng 11 thì công tác chữa cháy xử lý ra sao?

Xe chuyên dùng của lực lượng PCCC Hà Nội hiện nay chỉ đáp ứng chữa cháy hiệu quả từ tầng 10 trở xuống, với các tầng cao hơn công tác chữa cháy, cứu hộ sẽ gặp nhiều khó khăn. Theo quy định, tại các toà nhà cao tầng này đều phải có hệ thống chữa cháy tự động hoặc bán tự động tại chỗ. Khi xảy cháy, lực lượng PCCC tại chỗ sẽ bật hệ thống chữa cháy tự động hoặc bán tự động, nước sẽ tràn xuống các tầng từ các họng vòi chữa cháy.

Trường hợp mất nước, lực lượng PCCC sẽ đấu nối họng cấp nước PCCC (được thiết kế sẵn gần khu vực toà nhà), thậm chí lấy nước từ các toà nhà lân cận để đấu nối họng vòi cấp nước tại toà nhà đang xảy cháy.
Đại tá Nguyễn Đức Nghi - PGĐ Công an TP Hà Nội - vừa có văn bản kiến nghị Chủ tịch UBND TP một số nội dung như chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền ra quy định bắt buộc các nhà cao 100m trở lên phải xây dựng các khu lánh nạn, đảm bảo các yêu cầu về thoát nạn, cứu hộ, ngăn cháy, có đường đi lại và bãi đỗ cho xe chữa cháy tải trọng lớn, bắt buộc lắp đặt hệ thống cấp nước chữa cháy trong nhà;
Xây dựng đội ngũ PCCC tại chỗ được tập huấn cơ bản nghiệp vụ PCCC; Xây dựng nhà cao tầng phải song song với việc đầu tư trang thiết bị cứu hộ cứu nạn như ống tụt, đệm hơi, thang dây...
Phúc Hưng

(Dân Trí - 3/2010)

Bé gái được giải cứu ngoạn mục từ chung cư bị cháy

Cảm xúc hạnh phúc xen lẫn sợ hãi vẫn khiến vợ anh Định (áo đen) bật khóc ngay
cả sau khi vụ cháy đã trôi qua nhiều ngày. Ảnh: Hoàng Hà.
"Buộc 2 quần bò với nhau, kiểm tra thật chắc chắn tôi lồng thêm chiếc áo quanh bụng Quỳnh Anh. Lúc thả xuống, bé khóc rất dữ, tay bám chặt vào lan can", anh Định, người đã có quyết định táo bạo cứu bé gái tại tầng 18 chung cư JSC (Hà Nội) kể.

Ba ngày sau vụ cháy tối 10/3, cư dân của chung cư JSC 34 đã về dọn dẹp nhà cửa. Muội đen cùng mùi khét lẹt vẫn ám khắp các ngóc ngách của tòa nhà. Hành lang tầng 17, 18 đen kịt một màu.

Tại căn hộ của gia đình anh Nguyễn Ngọc Sơn ở tầng 18, gần chục người đeo khẩu trang kín mít đang hì hục dọn vệ sinh, cọ rửa đồ dùng. Đây là nhà bé Quỳnh Anh, 16 tháng tuổi, đã được buộc bằng quần áo thả xuống tầng 17, trước khi được cảnh sát cứu hộ giải thoát.

Người đưa ra quyết định và thực hiện việc đưa Quỳnh Anh xuống tầng 17 là anh Nguyễn Ngọc Định, bác ruột chứ không phải bố của bé như một số người chứng kiến nhầm tưởng. Khi vụ cháy xảy ra, bố mẹ Quỳnh Anh chưa đi làm về. Anh Định cùng vợ, con và một người cháu 17 tuổi đến chơi cùng gia đình bé Quỳnh Anh từ hôm trước.

Anh Định nhớ như in tất cả những gì xảy ra vào tối 10/3. Ảnh: Hoàng Hà.
Còn chàng trai ở tầng 17 phối hợp với anh Định đưa bé Quỳnh Anh xuống là Nhâm Đức Duy (20 tuổi), sinh viên ĐH Kiến trúc. Tuy chỉ cách có một tầng nhưng hai nhà chưa có dịp gặp lại nhau sau vụ cháy cũng như chưa kịp biết tên nhau vì phải sơ tán. Riêng bé Quỳnh Anh được gửi về nhà bà ngoại để tránh mùi khói vẫn còn vương khắp tòa nhà...

"Khoảng 17h30 chúng tôi ngửi thấy mùi khét và thấy khói len qua khe cửa chính nhưng không nghe thấy tiếng chuông báo cháy. Ra mở cửa, tôi bị màn khói đen đặc ập vào mặt, mắt mũi cay sè, chỉ kịp đóng sầm cửa và chạy vào bên trong", anh Định kể lại.

Ngay lập tức vợ chồng anh Định và các cháu nhỏ chạy ra ban công phía sau phòng ngủ của bố mẹ bé Quỳnh Anh. Đứa cháu trai 17 tuổi kịp vơ vội mấy chiếc khẩu trang để gần đó. Khói bắt đầu len sâu vào trong căn hộ. Người đàn ông 35 tuổi này gọi điện thoại cho em trai để thông báo tình hình rồi gọi cứu hỏa.

Ra ban công được một lúc, nhìn thấy rõ cột khói đang bốc cao, vợ con sợ hãi khóc lóc khiến anh Định tính đến chuyện tìm đường thoát hiểm. Bịt mũi chạy ra giật cửa chính một lần nữa nhưng anh phải quay trở lại ngay vì quá nhiều khói.

Lúc này, điện đã bị cắt. Cảm giác 5 người đứng chen chúc ở khoảnh ban công chưa tới 2 m2, cheo leo trên tầng 18 trong khi khói bủa vây từ 3 phía khiến họ thực sự hoảng sợ.

"Khoảng 30 phút sau, nhìn xuống lan can tầng 17, tôi thấy có 3 anh em cũng ra tránh khói. Tôi hỏi cậu thanh niên duy nhất trong nhóm: "Dưới đó có dễ thở hơn không?" anh Định kể. Sau vài câu trao đổi, anh quyết định tìm cách đưa Quỳnh Anh xuống vì cháu còn nhỏ, không chịu đựng được lâu khói độc trên tầng 18. Duy, cậu thanh niên tầng dưới nhiệt tình giúp đỡ.

"Không hiểu sao lúc đó tôi bình tĩnh lạ lùng. Sẵn có nhiều quần áo đang phơi ngoài ban công, tôi buộc 2 chiếc quần bò người lớn vào với nhau, kiểm tra thấy chắc chắn mới buộc lồng vào cái áo, quấn quanh bụng Quỳnh Anh. Khi thả bé xuống, tôi làm rất chậm. Lúc cậu thanh niên tầng dưới đỡ được bé, tôi hỏi đi hỏi lại rồi mới thả đầu "dây" ra", anh Định kể.

Lúc còn ở ban công tầng 18 cũng như khi bắt đầu được buộc vào quần áo để thả xuống, Quỳnh Anh khóc dữ lắm, tay bám chặt vào lan can. Tuy nhiên, xuống được tầng 17, dễ thở hơn, lại có các anh chị dỗ dành, bé thôi không khóc nữa.

Sau đó, anh Định cũng định tiếp tục thả cô con gái học lớp 2 của mình xuống như đã làm với Quỳnh Anh. Tuy nhiên, do bé đã lớn và khá nặng (khoảng 30 kg trong khi Quỳnh Anh chỉ 10,5 kg) nên đành chịu.

"Lúc đang bí bách thì có một bác ở tòa nhà đối diện (cách tòa nhà JSC 34 khoảng hơn 20 mét) thò đầu qua lan can, hét vọng sang động viên: "Các cháu bình tĩnh nhá, không có lửa đâu, không cháy lớn đâu. Bình tĩnh nhá". Nhờ người này mà chúng tôi thấy vững tâm hơn, chờ đợi cứu hỏa đến giải thoát", anh Định nói.

a
Duy cùng cô em gái kể về chuyện đưa bé Quỳnh Anh xuống tầng 17. "Đó là một kỷ niệm đáng nhớ. Em nghĩ ai ở trong hoàn cảnh của em cũng sẽ làm như vậy", Duy nói. Ảnh: N.H.
Tuy nhiên, anh Định vẫn luôn gắng động viên và làm chỗ dựa tinh thần cho mọi người. Thỉnh thoảng anh lại cúi xuống tầng 17, hỏi han tình hình bé Quỳnh Anh. Song, cảm giác tuyệt vọng không phải không xuất hiện...

Lúc lính cứu hỏa lên được tầng 18 và vào trong căn hộ, những người mắc kẹt đã đứng ngoài ban công gần 2 giờ. Do những người tầng 18 được ưu tiên giải cứu trước nên lần lượt con gái, vợ và cháu trai anh Định được hướng dẫn thoát xuống đất.

"Tôi xuống sau cùng và gần như cùng lúc với bé Quỳnh Anh cùng 3 anh em tầng 17 ngay dưới. Xuống đến nơi, gặp bố mẹ bé Quỳnh Anh, chúng tôi chỉ biết ôm lấy nhau mà khóc. Tối hôm đó, tất cả chúng tôi sơ tán về nhà người thân ở Mỹ Đình, không ai nhắm mắt ngủ được lấy một phút. Con gái tôi đến đêm hôm sau vẫn nói mơ "Không được thả, không được thả" còn tôi thì luôn miệng gọi tên "Bi, Bi" (tên gọi ở nhà của Quỳnh Anh) trong giấc ngủ...", anh Định kể, mắt đỏ hoe.

Rớm nước mắt khi kể lại những phút chờ đợi khủng khiếp tối 10/3, anh Nguyễn Ngọc Sơn, bố Quỳnh Anh nhớ lại: "Nghe tin báo cháy ở nhà mình, từ chỗ làm việc tôi phóng xe về nhà rồi chạy một mạch theo cầu thang bộ. Lên tới tầng 18, cách nhà có mấy mét mà không thể nào vào trong vì màn khói dày đặc, tôi thấy mình thực sự bất lực và tuyệt vọng... Anh Định đã cứu cả gia đình tôi".

Kể về giây phút đón bé Quỳnh Anh từ chiếc "dây" tự tạo, chàng sinh viên 9X có nước da rám nắng Nhâm Đức Duy vẫn thấy run run. Hai đứa em của Duy phải phối hợp giữ lấy cạp quần để cậu không tuột ra ngoài ban công. "Lúc được nhờ vả, em gần như không suy nghĩ gì mà đồng ý ngay luôn. Ai ở trong hoàn cảnh của em cũng sẽ làm như vậy", chàng sinh viên nhoẻn miệng cười.

Nguyễn Hưng

(VNExpress - 12/3/2010)

Chuyện về vụ giải cứu cư dân chung cư 18 tầng bị cháy

Lính cứu hỏa tham gia vụ giải cứu tòa nhà JSC. Ảnh:ANTĐ.
Tại tầng 14, nghe tiếng kêu cứu phát ra, người lính cứu hỏa mò mẫm trong khói đen và phát hiện người phụ nữ mang bầu ngồi trên chiếc ghế với vẻ mặt hoảng sợ, run rẩy. Anh đã bế thốc người phụ nữ lao bộ xuống cầu thang thoát hiểm.

18h ngày 10/3, trung tá Ngô Thanh Lâm, Đội trưởng phòng cháy chữa cháy quận Ba Đình, Hà Nội nhận được điện của chỉ huy Phòng điều động lực lượng xuống ngay chung cư 18 tầng vì có đám cháy. Biết đội cứu hỏa Từ Liêm đang kẹt trên đường, anh Lâm yêu cầu xe hú còi liên tục và lao vào đường ngược chiều để tiếp cận hiện trường một cách nhanh nhất.

Cách tòa nhà chừng 200 m, vị đội trưởng thấy cột khói bốc cao nghi ngút đã điện về xin chi viện thêm 2 xe của đội Hà Đông lên. Xe cứu hỏa vừa đỗ trước tòa nhà, anh thấy hàng trăm người đang nhốn nháo và hoảng loạn.

Từ tầng 14 trở lên, lính cứu hỏa phải dùng bình oxy mới leo lên được. Nặng nhất vẫn ở tầng 18. Mặc dù dùng đèn chiếu sáng công suất lớn, nhưng đứng cách nhau chừng 3-4 m họ không nhìn thấy nhau bởi khói đặc quánh. Để tìm được vào các phòng, họ phải dùng tay lần theo những bức tường.

Ưu tiên tầng cao nhất, đi đến đâu trung tá Lâm và đồng nghiệp của mình đều hô lớn "Có ai trong đó không" để nạn nhân nhận được tín hiệu. Tránh bỏ sót, toàn bộ gầm giường, ban công, khe cửa cũng được lính cứu hỏa kiểm tra khá kỹ lưỡng.

Hai ngày sau cuộc giải cứu nạn nhân mắc kẹt ở chung cư 18 tầng, hạ sĩ Đặng Tuấn Anh kể lại với giọng trầm buồn. Từng tham gia nhiều vụ cháy lớn trong năm 2009 như cháy kho hàng ở phố Ngụy Như Kon Tum, cháy tòa nhà 13 tầng tại 25 Vũ Ngọc Phan..., nhưng đây là lần cứu hỏa mà họ đã thực sự kiệt sức.

Có mặt tại hiện trường, Tuấn cùng đồng nghiệp nhanh chóng tỏa đi các phòng bị ảnh hưởng nặng nhất để tìm kiếm và giải cứu nạn nhân. Tại tầng 14, nghe tiếng kêu cứu phát ra từ một căn hộ, anh mò mẫm trong làn khói đen và phát hiện người phụ nữ đang mang bầu ngồi trên chiếc ghế ở ngoài lan can với vẻ mặt hoảng sợ.

"Chị ấy có lẽ vừa đi làm về. Sau khi hỏi thăm sức khỏe và nhường nạn nhân chiếc mặt nạ phòng độc, tôi dùng khăn ướt quấn vào mặt và bế chị ấy rời khỏi đám khói. Tuy nhiên do chị quá nặng, đến tầng 7 hay 8 gì đó tôi thở dốc, ngồi bệt xuống vì hai cánh tay mỏi nhừ", gương mặt chàng hạ sĩ đỏ lừ khi kể.

Dọc quãng đường giải cứu nạn nhân, anh chàng 20 tuổi bị bà bầu ghì chặt cổ vì quá hoảng sợ. Để chị bớt sợ, chàng lính cứu hỏa cao gần 1,8 m liên tục phải hỏi: "Chị đang mang bầu tháng thứ mấy", "Cháu là trai hay gái"...

Đưa được nạn nhân xuống tầng 2, chứng kiến cảnh hai vợ chồng họ đỏ hoe đôi mắt, Tuấn Anh cho rằng chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc như thế. "Cứu một người nhưng hóa ra thành hai người", Tuấn Anh cười nói.

Tuy nhiên, vụ hỏa hoạn đã làm chị Vương Lan Phương (sinh năm 1967) và con trai là Lưu Gia Minh (sinh năm 2000) chết vì ngạt khói. Giọng trầm xuống, Tuấn Anh kế: "Khi em cũng như các thành viên trong đội ướt sũng áo vì chạy lên chạy xuống cứu các nạn nhân mắc kẹt ở tầng cao, bỗng thoáng nghe có người bảo có hai mẹ con ở tầng 18 khó qua khỏi vì hít phải khói độc. Em vội lao lên, dù chân tay mỏi ra rời".

Khi được đưa đến bệnh viện Xây dựng, chị Phương và bé Minh đã tử nạn. Theo các bác sĩ, nạn nhân bị ngạt quá nặng, khói đã đi sâu vào bên trong. Khi tiến hành đặt nội khí quản, các bác sĩ thấy nắp thanh quản bị khói phủ dày đặc.

Không nhớ mình phải chạy lên xuống tòa nhà 18 tầng bao nhiêu lần, nhưng hạ sĩ Trương Quang Sơn (21 tuổi) nhớ in trường hợp cứu hai bố con người nước ngoài ở căn hộ tầng 17.

Đó là căn hộ rất lớn. Mất thời gian tìm và hô hoán, Sơn phát hiện hai bố con ở trong phòng sâu nhất trong căn hộ. "Ông ta chừng 50 tuổi, còn cậu con trai khoảng 15. Cả hai đều biết cách lấy khăn mặt ướt che lên mũi. Tuy nhiên, lúc đó họ rất sợ hãi". Sau vài câu giao tiếp bằng tiếng Anh thông thường, chàng lính cứu hỏa với mái tóc hơi xoăn cho biết đã hướng dẫn họ vượt qua đám khói một cách an toàn.

Sơn kể tiếp, vừa đưa được một số nạn nhân xuống sân, bà lão chừng 60 tuổi chạy đến sụt sùi khóc nhờ giải cứu bé gái gần 2 tuổi đang kẹt ở tầng 17. Theo chỉ dẫn, trong phòng 1712 không chỉ có cháu bé, Sơn còn thấy 3 thanh niên khác (2 nữ, một nam). Gương mặt ai cũng thất thần và mệt mỏi.

Biết đám cháy trong cột xả rác đã khống chế chỉ còn khói đen ở hành lang, Sơn yêu cầu họ ra ngoài ban công lánh nạn thêm ít phút. Đảm bảo cho bé gái gần 2 tuổi không bị ngạt, Sơn tháo chiếc mặt nạ phòng độc của mình đeo cho bé, nhưng nạn nhân nhất quyết không chịu vì vướng.

Không còn cách nào, sau khi quấn được khăn ướt vào mặt cháu bé cũng như hướng dẫn cho những nạn nhân trong căn phòng một cách chu đáo, Sơn quyết định dò dẫm trong đám khói đặc quánh để đưa họ xuống bằng cầu thang bộ.

Sau khi được giải cứu an toàn, một trong hai cô gái hổn hển kể lại: "Em cận hơn 4 đi ốp nên chẳng nhìn thấy gì nên lúc bảo đi xuống sợ lắm. Tuy nhiên khi được lính cứu hỏa hướng dẫn dùng tay lần theo bức tường và cúi thấp mặt xuống sàn để dễ thở, em cũng yên tâm được phần nào".

Chứng kiến cảnh những người thân ôm nhau khóc nức nở, dưới sân tòa nhà, Sơn bảo không riêng anh, nhiều người có mặt ở đó cảm động rơi nước mắt.

Khi đưa hết nạn nhân mắc kẹt ra khỏi tòa nhà và xác định ngọn lửa không còn nguy hiểm, trung tá Ngô Thanh Lâm yêu cầu Ban quản lý tòa nhà bật toàn bộ hệ thống điện. Văn phòng cùng các căn hộ dân cư sinh sống lần lượt được những chàng lính cứu hỏa chia nhau tìm kiếm xem ai còn mắc lại.

22h, những chiếc xe cứu hỏa rời khỏi hiện trường đám cháy. Nhiều người dân vây quanh tòa nhà cho rằng lính cứu hỏa nếu đến chậm ít phút, nạn nhân xấu số chưa chắc đã dừng ở con số 2.

Chiều tối 10/3, tòa chung cư 18 tầng - JSC xảy ra cháy ống kỹ thuật khu thu rác. Đám cháy tỏa ra nhiều khói và lan ra sảnh, hành lang, cầu thang và các phòng của tòa nhà gây ngạt, làm khó khăn trong việc giải cứu những người sinh sống trong tòa nhà.

Phòng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy đã điều động 80 cán bộ chiến sĩ cùng 8 xe cứu hỏa tổ chức cứu chữa và đưa hơn 40 người ra khu vực an toàn. Vụ cháy khiến hai người thiệt mạng.

Hà Anh

(VNExpress - 13/3/2010)