Cháy chung cư ở trung tâm Sài Gòn, hàng trăm người tháo chạy


Trưa 29/3, lửa bốc lên dữ dội ở khu căn hộ Phan Văn Trị (quận 5, TP HCM) khiến hàng trăm cư dân tháo chạy.

Chung cư Phan Văn Trị gồm một tầng hầm, 9 lầu với 2 dãy A, B nằm tại góc đường Lê Hồng Phong – Phan Văn Trị (phường 2, quận 5). Khoảng 12h, nhiều người thấy lửa bùng lên dữ dội ở căn hộ lầu 8 lô A liền hô hoán nhau dập lửa. Nhưng do căn hộ này vắng chủ, khóa trái nên không ai tiếp cận được hiện trường.

Căn hộ cháy ở lầu 8 bị ám khói đen. Ảnh: An Nhơn
Lửa ngày càng lan mạnh kèm theo khói đen bốc ra ngoài khiến hàng trăm cư dân đang sống tại đây hoảng loạn chạy thang bộ xuống đất lánh nạn. "Điện ngắt, thang máy không hoạt động. Tôi chỉ kịp vơ túi đồ lao ra thang bộ", một phụ nữ trung niên sống ở tầng 8 nói.

Hàng chục cảnh sát chữa cháy quận 8 cùng 7 xe cứu hỏa, trong đó có xe thang nhanh chóng có mặt. Cảnh sát cứu hỏa kéo vòi rồng từ dưới lên lầu 8, tiếp cận hiện trường và khống chế không cho lửa lan sang các căn hộ lân cận. Đám cháy được dập tắt ngay sau đó.

Hỏa hoạn khiến hàng trăm người tháo chạy. Ảnh: An Nhơn
Không có thương vong về người, song hỏa hoạn đã thiêu rụi một phần và nhiều đồ đạc trong căn hộ. Hơn một giờ sau, hàng trăm cư dân sống ở các tầng trên của chung cư vẫn chưa được phép trở lại nhà.

Nguyên nhân hỏa hoạn chưa được xác định.

An Nhơn

(VNExpress - 3/2014)

Bất ổn ở chung cư Lê Thành: Giám đốc công ty Lê Thành nói gì?

Một góc công viên trong chung cư Lê Thành.
Từ tháng 3/2014, theo phản ánh của nhiều người dân sống tại chung cư Lê Thành (KP3, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM), báo NB&CL đã có mặt và ghi nhận khá đầy đủ những mâu thuẫn, xung đột đã kéo dài, leo thang ngày một nghiêm trọng giữa người dân và chủ đầu tư - Công ty TNHH TM XD Lê Thành (Công ty Lê Thành). Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã có những cuộc trao đổi, lắng nghe GĐ Công ty Lê Thành - ông Lê Hữu Nghĩa- phản biện lại những cáo buộc của người dân, đưa ra những yếu tố cả “tình” và “lý” xung quanh vụ việc này.

Nhiều nguyên nhân gây bất ổn

Theo ông Nghĩa, những “bất ổn” xuất hiện từ khi một nhóm khoảng 20 người tự ứng cử vào Ban quản trị nhà chung cư nhưng bất thành. Mục đích chính của nhóm người này muốn chen chân vào Ban quản trị đến nay vẫn chưa rõ, nhưng họ tỏ ra quyết tâm bằng mọi cách.

Tuy nhiên, nhiều cư dân tại chung cư lại muốn có thêm nhiều người ứng cử để thêm sự lựa chọn. Vì vậy, dân cư ở đây, đồng thời là nhân viên của Công ty Lê Thành đã mạnh dạn ra ứng cử vào Ban quản trị để cho cư dân có thêm lựa chọn. Đó là quyền hợp pháp, chính đáng của các cư dân ở đây. Như vậy việc 12 cư dân đang làm việc cho Lê Thành có quyền sở hữu ra ứng cử là hoàn toàn đúng nguyên tắc, không thể cấm ứng cử khi họ đang làm việc tại Công ty Lê Thành được! Chính vì điều này, nhóm cư dân khoảng 20 người nói trên đã phản đối, tìm cách cản trở hội nghị nhà chung cư.

Một lý do khiến Hội nghị nhà chung cư chậm trễ là bởi năm 2010, Công ty Lê Thành bàn giao khu A gồm 530/1.154 căn, chiếm tỷ lệ 45,9% số căn hộ của dự án. Vì chưa đạt tỷ lệ 50% số căn hộ theo quy định nên chưa thể tổ chức bầu Ban quản trị chính thức mà chỉ bầu Ban quản trị tạm thời.

Đến 12/5/2012, Công ty Lê Thành nghiệm thu tòa nhà khu B. Tới tháng 8/2012, Công ty Lê Thành bàn giao đạt tỷ lệ 50% số căn hộ. Sang tháng 4/2013, Công ty Lê Thành chính thức thông báo kế hoạch tổ chức hội nghị nhà chung cư cho toàn thể cư dân được biết và chuẩn bị tham gia ứng cử. Sau đó, Hội nghị cử đại biểu tham gia hội nghị cụm nhà chung cư đã diễn ra vào 26/7/2013.

Tuy nhiên, việc tổ chức hội nghị nhà chung cư tại đây lại bị tạm ngưng bởi nhiều nguyên nhân khách quan. Căn cứ vào báo cáo của tổ công tác quận Bình Tân ngày 19/3/2014 nêu rõ: “Đầu năm 2013, Công ty TNHH TMXD Lê Thành chuẩn bị tổ chức hội nghị nhà chung cư đối với chung cư Lê Thành gồm: Khu A có 3 nhà chung cư A1, A2, A3 và Khu B có 4 nhà chung cư: B1, B2, B3, B4. Đến ngày 26/7/2013 Công ty Lê Thành tiến hành tổ chức họp bầu cư dân nhà chung cư A1 nhưng cuộc họp chỉ có 33% số hộ tham gia, do không đủ số lượng hộ tham gia theo quy định… Ngày 27/7/2013, UBND phường An Lạc ra công văn số 392/UBND về việc đề nghị Công ty Lê Thành tạm ngưng việc tổ chức bầu đại biểu tham dự hội nghị nhà chung cư”.

Từ đó, một số hộ dân chung cư Lê Thành có đơn gửi đến các cơ quan cấp quận, thành phố tố cáo Lê Thành không tổ chức Hội nghị nhà chung cư đúng thời hạn, trái pháp luật, chưa công khai tài chính, xúc phạm danh dự nhân phẩm công dân… Các cơ quan, đơn vị có liên quan sau đó đã có công văn trả lời, phối hợp hỗ trợ Công ty Lê Thành sớm tổ chức hội nghị nhà chung cư rất cụ thể, chi tiết, kịp thời.

Theo ông Nghĩa, nguyên nhân hội nghị nhà chung cư chậm diễn ra là bởi có tới 2 kiến nghị từ nhóm cư dân tham gia ứng cử. Vào thời điểm này, dù chỉ có 33% cư dân tham gia hội nghị nhưng có đến 98% cư dân bầu chọn cho các ứng cử viên đang làm việc cho Lê Thành. Do vậy, khoảng 20 hộ dân nói trên không đồng tình, phản ứng quyết liệt.

Lê Thành có quyền ứng cử vào Ban quản trị!

Một tranh cãi gay gắt giữa Lê Thành và nhóm hộ dân nói trên là: Ai được quyền ứng cử vào Ban quản trị nhà chung cư?

Căn cứ trên thông báo số 2910 ngày 7/4/2014 của Sở Xây dựng TP.HCM về việc tổ chức Hội nghị nhà chung cư tại chung cư Lê Thành dựa trên văn bản ngày 11/01/2014 đề nghị hướng dẫn về quyền tham dự hội nghị nhà chung của người không phải là chủ sở hữu của Lê Thành và công văn xin ý kiến về quy định trong công tác quản lý nhà chung cư của UBND quận Bình Tân ngày 17/01/2014.

Sau khi nhận hai văn bản, ngày 7/2/2014, Sở Xây dựng đã xin ý kiến của Bộ Xây dựng. Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ, Sở Xây dựng TP.HCM thông báo: Theo quy định tại khoản 1, điều 71 Luật Nhà ở năm 2005, trong thời hạn không quá 12 tháng kể từ ngày chung cư được đưa vào khai thác, sử dụng, chủ đầu tư có trách nhiệm chủ trì tổ chức hội nghị các chủ sở hữu và người sử dụng để bầu ra Ban quản trị.

Theo Khoản 1, điều 11 trong quyết định 08/2008 về việc ban hành quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư của Bộ Xây dựng chỉ rõ: Hội nghị nhà chung cư là hội nghị các chủ sở hữu và người sử dụng nhà chung cư. Tại khoản 3, điều 22 quy định: Người sử dụng không phải là chủ sở hữu nhà chung cư được tham gia hội nghị nhà chung cư. Đối với trường hợp người mua căn hộ trả góp trực tiếp từ chủ đầu tư, “Sở Xây dựng nhận thấy cả chủ đầu tư và người mua căn hộ đều có quyền tham dự và quyền biểu quyết tại Hội nghị”.

Thông báo (đã xin ý kiến và được Bộ Xây dựng hướng dẫn chi tiết) của Sở Xây dựng TP.HCM đã giải đáp băn khoăn “Ai được quyền ứng cử vào Ban quản trị nhà chung cư?” của cả 2 bên.

Về việc các hộ dân phản đối về phí quản lý, phí giữ xe, ông Nghĩa cho biết: Việc quản lý 7 block nhà với 1.154 căn hộ, mức giá 4 ngàn đồng/m2/tháng là thấp so với mặt bằng chung, tiêu chuẩn chất lượng đảm bảo. Cũng theo ông Nghĩa, hiện mỗi tháng Công ty Lê Thành phải bù bỗ cho cư dân trong khoảng này khoảng 240 triệu đồng, tức 2,88 tỉ đồng/năm. Lê Thành xem đây là hình thức tài trợ thiết thực nhất để cư dân có được cuộc sống chất lượng, môi trường sạch đẹp, an toàn.

Việc tăng phí giữ xe máy từ 60 ngàn lên 90 ngàn/tháng theo quyết định số 32/2012/QĐ-UBND ngày 30/07/2012 cũng gặp phải sự phản ứng của khoảng 20 hộ dân nói trên, dù lộ trình tăng phí đã được thông báo rộng rãi, mức giá 90 ngàn/ tháng nằm trong mức giá quy định của UBND TP.HCM. Thời gian qua, nhóm cư dân nói trên thường xuyên gây bất ổn cho bộ phận giữ xe, thành lập một số vị trí giữ xe tự phát, ảnh hưởng tới an ninh trật tự.

Sau những trải lòng của cả hai bên, báo NB&CL chờ mong các cơ quan có thẩm quyền sẽ vào cuộc, giám sát chặt chẽ, công tâm, khách quan để quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp được đảm bảo, giúp người dân yên tâm sống, học tập, làm việc, doanh nghiệp yên tâm làm ăn, kinh doanh…

Nhóm PV

Nguồn: Nhà báo và Công luận
(Ngày 05/2014)