Bùng nổ tranh chấp đòi nhà tại TP HCM

Treo băng rôn, tố cáo lên cơ quan điều tra, khởi kiện ra tòa để đòi căn hộ đang diễn ra ngày càng nhiều tại TP HCM. Điểm chung của những vụ tranh chấp này là khách hàng đã nộp tiền tỷ, thời hạn giao nhà trễ hàng chục tháng và dự án ì ạch xây chưa xong.

Giữa tháng 5, hơn 50 khách hàng đã mua các căn hộ tại dự án PetroVietnam Landmark, phường An Phú , quận 2, TP HCM làm thư kiến nghị tập thể gửi đến Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) để đòi nhà. Dự án do Công ty Bất động sản Xây lắp Dầu khí (PVC Land) làm chủ đầu tư, Công ty Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVL) là đơn vị bán. Cả hai công ty này đều trực thuộc PVN.

Theo hợp đồng, thời hạn bàn giao căn hộ của đại đa số cư dân là vào ngày 31/12/2011. Chủ đầu tư được chậm giao nhà 6 tháng đối với thời hạn này. Song khách hàng dù đã đóng tiền theo đúng tiến độ và đạt tới 80% - 95% giá trị hợp đồng, nhưng cho đến nay dự án này chỉ mới xong phần thô, chậm giao nhà hơn 2 năm. Bức xúc vì bị chiếm dụng vốn quá lâu, không biết khi nào mới được nhận nhà, hàng chục khách hàng này đã gửi đơn kiến nghị tập thể ra PVN để đòi căn hộ.

Không gây áp lực bằng số đông, một khách hàng khác đã nộp gần 2 tỷ đồng mua căn hộ PetroVietnam Landmark là bà Trần Thị Châu Giang (quận 3, TP HCM) quyết định khởi kiện đòi lại tiền. Giữa tháng 4/2014 bà Giang thắng kiện sau gần 20 tháng nộp đơn, bổ sung chứng cứ. Tòa án quận 2 buộc Công ty Bất động sản Xây lắp Dầu khí phải trả lại tiền kèm theo lãi phạt chậm giao nhà cho khách hàng. Tuy nhiên, vụ kiện đang bị đẩy lên tòa phúc thẩm.


Khách mua chung cư Gia Phú tố chủ đầu tư có hành vi
lừa đảo khi bán trùng hàng chục căn hộ. Ảnh: Vũ Lê
Bi đát nhất là những khách hàng đem tất cả vốn liếng ky cóp mua chung cư nhưng phải cắn răng ở thuê vì nhà xây mãi không xong, khởi kiện thì chủ đầu tư vắng mặt không lý do. Đơn cử trường hợp của chị Nguyễn Thị Phượng, ở huyện Bình Chánh, nộp 700 triệu đồng từ tháng 11/2010 mua dự án căn hộ tại đường Tạ Quang Bửu - Bông Sao, quận 8. Chị Phượng chờ nhận nhà từ quý I/2013 nhưng 15 tháng qua chủ đầu tư bặt vô âm tín. Đầu năm 2014 khách hàng này đã khởi kiện ra tòa án phường, quận nhưng chủ đầu tư chưa một lần xuất hiện theo triệu tập của tòa.

Mới đây, hôm 18/5, khách hàng chung cư Gia Phú (quận Thủ Đức) lại treo băng rôn tố cáo chủ đầu tư chiếm dụng vốn. Theo hồ sơ VnExpress.net thu thập được, có đến hàng chục trường hợp bị bán trùng căn hộ đang được công an quận Thủ Đức thụ lý.

Tổng giám đốc Công ty tư vấn Nam Phát, Nguyễn Mạc Hoài Nam nhận xét, bùng nổ tranh chấp đòi nhà là vấn đề phức tạp, cả người mua để ở và mua để đầu tư chuyên nghiệp đều thiệt hại nặng nề, bị chiếm dụng tiền tỷ. "Điều này sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý người mua nhà chung cư", ông đánh giá.

Theo ông Nam, các chủ đầu tư làm gần xong mà không thể hoàn thiện chủ yếu do nợ tiền ngân hàng quá nhiều. Gom được bao nhiêu tiền, họ lo trả nợ ngân hàng nên không thể bỏ tiền vào hoàn thiện công trình. Điều đáng tiếc là hiện nay pháp luật chưa bảo vệ người mua, các vụ tranh chấp hầu như không có hồi kết.

50 khách hàng dự án Petro Vietnam Landmark đã gửi đơn kiến nghị ra
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam để gây áp lực đòi nhà. Ảnh: Vũ Lê
Chuyên gia này cho rằng, giải pháp an toàn cho khách hàng là nên chọn chủ đầu tư uy tín đã từng có nhiều sản phẩm cụ thể trên thị trường để kiểm chứng hoặc theo sát tiến độ xây dựng của doanh nghiệp. Nhưng với những chủ đầu tư tên tuổi còn xa lạ thì tốt nhất chỉ mua khi họ hoàn thiện dự án, chuẩn bị giao nhà. "Mặc dù vài năm trở lại đây khách hàng rất cảnh giác, không mạo hiểm mua nhà trên giấy nhưng vẫn có rủi ro", ông Nam cho hay.

Luật sư Nguyễn Sa Linh, Đoàn Luật sư TP HCM phân tích: "Các vụ tranh chấp đòi nhà đang diễn ra ngày càng nhiều khi thị trường bất động sản lún sâu vào khủng hoảng. Một số vụ việc có dấu hiệu của án hình sự. Hầu hết các chủ đầu tư gặp khó khăn đã vi phạm Luật Dân sự".

Theo ông Linh, cách giải quyết những tranh chấp này cần linh hoạt, tùy cơ ứng biến chứ không nên lôi tất cả ra tòa. Bởi lẽ, thời gian xử lý các vụ việc như thế này thường khá dài do đòi hỏi dày công thu thập hồ sơ, tài liệu, càng gây bất lợi cho người mua.

Với trường hợp chủ đầu tư có thương hiệu, có tiềm lực về tài chính và còn tài sản, khách hàng khởi kiện vẫn còn hy vọng đòi lại quyền lợi. Trường hợp chủ đầu tư không hợp tác, vắng mặt, rất khó để vụ kiện được giải quyết nhanh gọn. Riêng các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần khẩn cấp tố cáo đến cơ quan điều tra để ngăn chặn kịp thời.

Các chuyên gia bất động sản nhận xét, thị trường vẫn chưa vượt qua giai đoạn khó khăn, có nhiều dự án khách hàng chỉ còn biết chờ đợi trong may rủi vì chủ đầu tư đã kiệt sức hoặc chết lâm sàn. "Nếu xác định chủ đầu tư có thiện chí và vẫn nỗ lực hoàn thiện dự án thì khách hàng có thể cân nhắc tiếp tục góp vốn và giám sát tiến độ thông qua ngân hàng hay tổ chức thứ ba", một chuyên gia khuyên.

VNExpress, 31/5/2014

Mừng ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6/2014


Sắp đến ngày Quốc Tế Thiếu Nhi, thay mặt Tổ Dân Phố và Ban Quản Trị chung cư Ehome2. Chúc các cháu luôn chăm ngoan, học giỏi và vâng lời Cha Mẹ.

Mong quý phụ huynh cũng thông cảm vì mọi năm ngày 1/6 luôn trùng vào Hội nghị Nhà chung cư nên Ban Quản Trị không có đủ thời gian và nhân lực tổ chức. Phụ huynh vui lòng đưa các cháu đến chung vui cùng các bé tại Ban điều hành khu phố 6, lúc 16g ngày 1/6/2014. Với nội dung: Mừng ngày Quốc tế thiếu nhi và dự lễ khai mạc sinh hoạt hè.




Tổ dân phố thông báo v/v phát quà cho học sinh giỏi năm học 2013-2014


Thông báo Bà con tổ dân phố 10.

Năm học 2013-2014 đã kết thúc, Hội khuyến học bắt đầu lập danh sách các em (lớp 1 đến lớp 12), là học sinh giỏi hoặc đạt giải các cuộc thi các cấp (cấp Quận, Cấp Thành phố, Quốc gia...) để phát quà khích lệ các em.

Tổ dân phố thông báo các hộ gia đình có con em đạt tiêu chuẩn trên vui lòng photo giấy khen và nhớ mang theo bảng gốc để tổ trưởng đối chiếu. Nộp trực tiếp cho Tổ trưởng B8.16 hoặc Liên hệ hẹn giờ trước 0908 872 988

Hạn chót: 08/6/2014.



Bảng tổng kết kinh phí tổ chức Hội nghị nhà chung cư Lần 4 - 2014


Tổng cộng chi hết 12.776.000 đ. Lưu ý: một số khoản như dàn âm thanh, máy chiếu, standee được ACE cư dân cho mượn/tặng nên không mất chi phí. Tất cả chi tiết nên trên đã được thủ quỹ chi trả đầy đủ cho các đơn vị, các nhân liên quan. Số tiền còn lại 224.000đ sẽ bổ sung vào Kinh phí hoạt động BQT.

Kết quả Hội nghị Chung cư EHome2 Lần thứ 4 -2014

Vào ngày Chủ Nhật, 25/5/2015, tại chung cư Ehome2 diễn ra Hội nghị cụm nhà chung cư Đông Sài Gòn Hội nghị chào mừng sự có mặt của các đại biểu khách mời đại diện cho UBND quận 9, đại diện công an phường Phước Long B và đại diện tổ dân phố cùng 205/600 hộ dân có mặt tham dự. Số đại biểu cư dân tham dự Hội nghị đạt 6x% , đây là điều kiện cần và đủ để Hội nghị diễn ra đảm bảo đúng các quy định của pháp luật.

Buổi hội nghị diễn ra trong không khí ôn hòa, trao đổi cởi mở giữa cư dân và ban quản trị, ban quản lý.. Sau đây là bảng kết quả của hội nghị.




Download file PDF tại đây

Chuyện ứng xử ở Ehome2

Chào các anh, chị ở EHOME 2

Theo dõi các ứng xử gần đây của cư dân chúng ta trên Facebook EHOME 2, nhất là thời gian trước và sau Hội nghị Nhà Chung Cư, theo ý kiến chủ quan của tôi, thiết nghĩ nên đặt lại vần đề này

1. Chúng ta xác định mục đích sống : " Vì Cộng Đồng Văn Minh". Do đó, mọi ý kiến đều mang tính xây dựng, không chia rẻ, không bài trừ nhau, nhất là khi hầu như tất cả cư dân EHOME 2 là trí thức.

2. Chúng ta ai cũng biết có Phản biện thì mới có tiến bộ xã hội, nhưng hình thức phản biện thì nên xem xét ( Gặp trực tiếp đễ trao đổi, Gởi mail trực tiếp...), thay vì đưa lên diễn đàn mà không ghi rõ tên, tuổi, địa chỉ..., Điều này tạo ra sự hoài nghi, sự ngộ nhận, ảnh hưởng đến các cư dân khác, nhất là những người đóng góp tích cực vì cộng đồng.

3. Các đóng góp cần nêu hoặc trình bày giải pháp thay thế kịp thời ( tránh những trường hợp sự việc đã rồi, nhắc lại quá khứ chỉ làm đau lòng nhau). Cá nhân hoặc người được đóng góp sẽ có thêm kênh thông tin để lựa chọn

Cuối cùng, EHOME 2 với hơn 600 căn hộ, với trên 1000 người lớn, nên chuyện có nhiều ý kiến là bình thường. Nhưng xin hãy là những công dân bình thường, là những người Vì Cộng Đồng, Người của Giải Pháp, thay vì " Anh hùng bàn phím".


Bùng phát tranh chấp chung cư

Chung cư Nhất Lan 3 (quận Bình Tân, TPHCM)
Sau một thời gian yên ắng, gần đây việc tranh chấp giữa khách hàng và chủ đầu tư về chất lượng căn hộ, dịch vụ chung cư  lại bùng phát. Ðặc biệt, nhiều vụ việc xảy ra tại các dự án của những doanh nghiệp có thương hiệu lớn trên thị trường.

Cư dân tại chung cư Nhất Lan 3 (quận Bình Tân, TPHCM) do CTCP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCCI) làm chủ đầu tư phản ánh, dù dự án đã được bàn giao cho khách hàng sử dụng từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được dùng nước sạch từ hệ thống nước của TP.

Nguyên nhân do chủ đầu tư không đầu tư cơ sở hạ tầng đấu nối với hệ thống cấp nước sạch của TP. Dù cư dân phản ánh nhiều lần nhưng tình trạng vẫn chưa được cải thiện. Dự án Khang Gia Tân Hương do CTCP Đầu tư và Phát triển Địa ốc Khang Gia làm chủ đầu tư, nhiều rắc rối phát sinh khi đến giai đoạn thanh toán và nhận bàn giao nhà.

Theo hợp đồng, khách hàng sẽ thanh toán đợt thứ ba sau khi chủ đầu tư bàn giao căn hộ. Tuy nhiên, mới đây chủ đầu tư ra thông báo yêu cầu khách hàng thanh toán số tiền đợt này trước khi lên nghiệm thu, nhận bàn giao căn hộ.

Trong khi đó, một số khách hàng có cơ hội tận mắt xem căn hộ cho biết nội thất bị thay đổi nhiều, thi công sơ sài, không đáp ứng được yêu cầu. Đề nghị nghiệm thu căn hộ trước rồi mới thanh toán của khách hàng vẫn chưa được chủ đầu tư chấp nhận.

Ngoài ra, việc khiếu nại, tranh chấp giữa khách hàng với chủ đầu tư về quỹ bảo trì chung cư cũng diễn ra khá phổ biến. Tại chung cư 4S do Công ty Trường Thành Lộc làm chủ đầu tư, theo phản ánh của cư dân, ban quản trị thành lập hơn 2 năm nhưng chủ đầu tư chưa bàn giao quỹ bảo trì, mới chỉ bàn giao một phần công tác quản lý vận hành chung cư.

Tình trạng trên cũng tương tự tại một số dự án của Công ty Lê Thành. Ngay những dự án của các “ông lớn” cũng xảy ra tình trạng xuống cấp. Theo phản ánh của một số khách hàng tại dự án của HAGL, Bitexco, Phú Mỹ Hưng, Nam Long…, một số căn hộ đã xảy ra tình trạng thấm, nứt, lún…

Tại dự án chung cư cao cấp Sài Gòn Pearl do Công ty TNHH Việt Nam Land SSG làm chủ đầu tư, cư dân tại các tòa nhà Ruby, Topaz, Sapphire phản ánh, theo hợp đồng hứa mua hứa bán, tầng hầm là công trình tiện ích chung. Khi chuyển sang hợp đồng mua bán căn hộ, nhiều điều khoản thay đổi và tầng hầm thành sở hữu riêng của chủ đầu tư.

Mức phí đậu xe trước năm 2014 là 1,76 triệu đồng/xe/tháng và mới được điều chỉnh còn 1,46 triệu đồng/xe/tháng do sự quyết liệt của cư dân. Ngoài ra, chủ đầu tư còn biến lối đi bộ thành chỗ đậu xe thu tiền và cơi nới tầng hầm để kinh doanh. Bi kịch hơn, gần đây hàng loạt khách hàng mua căn hộ tại dự án chung cư Gia Phú (Thủ Đức) của Công ty TNHH Địa ốc Gia Phú tố cáo nhiều trường hợp 1 căn hộ chủ đầu tư bán cho 2-4 người.

Chúng tôi đã nhiều lần cố gắng liên lạc với đại diện chủ đầu tư nhưng bất thành. Trong khi đó trao đổi với ĐTTC, ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT CTCP Đất Xanh - một đơn vị có tham gia phân phối dự án, cho biết trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư vì toàn bộ hợp đồng mua bán căn hộ do chủ đầu tư trực tiếp ký hợp đồng, Đất Xanh chỉ phân phối và hưởng hoa hồng trên giao dịch. “Căn hộ nào bán hay còn, pháp lý ra sao chủ đầu tư phải biết”- ông Thìn khẳng định.

Theo các chuyên gia BĐS, việc tranh chấp tại các chung cư sẽ còn diễn ra dài dài, bởi pháp lý vận hành tại các chung cư chưa rõ ràng, việc chế tài các chủ đầu tư khi dự án xuống cấp, chậm bàn giao chưa đủ mạnh nên chủ đầu tư không “ngán”. Ngoài ra, trong một tập thể hàng trăm hộ gia đình rất khó tìm được tiếng nói chung trước một vấn đề nào đó phát sinh.

Ðỗ Trà Giang

Nguồn: ĐTTC
(Ngày 26/5/2014)

Tổ dân phố thông báo lịch uống Vitamin cho trẻ từ 6-26 tháng tuổi

Độ tuổi: 06 tháng đến 36 tháng.
Địa điểm: Trạm y tế phường hoặc nhà thuốc tây Gia Lương
Thòi gian: sáng ngày 1/6 và 2/6/2014; từ 8h - 11h30

Lưu ý: Phụ huynh có các cháu đang đi học ở các trường mầm non thì phải hỏi giáo viên xem các cháu đã được uống chưa nhé. Đã uống rồi thì không nên uống nữa.


Một số hình ảnh và Facebook status về Hội Nghị Nhà Chung Cư Ehome2 - 2014

Khoảng 8h30, hội nghị bắt đầu khai mạc với 105 đại biểu tham gia đến từ 5 lô
Ngày 25/5/2014, Hội Nghị Cụm Nhà Chung Cư Ehome2 đã diễn ra tại Nhà Cộng Đồng Ehome2 trong không khí trao đổi thân tình cởi mở. Nhiều đại biểu đã tích cực đặt nhiều câu hỏi và góp ý cho Ban Quản Trị, nhất là về công tác giám sát Quỹ bảo trì.

Hội nghị đã kết thúc tốt đẹp, đại biểu đã bỏ phiếu chọn cho mình BQT mới nhiệm kỳ 2, 2014-2016; và chọn Cty Nhà Tôi (My House) là đơn vị vận hành quản lý chung cư Ehome2 trong 2 năm tới.


Một số hình ảnh về buổi Hội Nghị Cụm Nhà Chung Cư Ehome2 - 2014:




Poster Hội nghị dán ở thang máy các lô
Băng rôn chào mừng Hội Nghị
7h30 Hội nghị đã sẵn sàng đón đại biểu
BQT nhiệm kỳ 1 nhận quà lưu niệm.
3 thành viên tích cực của BQT nhiệm kỳ 1


Cập nhật thêm một số Facebook status 'đưa tin' về Hội Nghị Cụm Nhà Chung Cư Ehome2:










Cần quy định rõ thời hạn sử dụng nhà chung cư

Góp ý cho Dự thảo Luật nhà ở, một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng cần phải quy định ngay trong luật về thời hạn sử dụng cụ thể của nhà chung cư để tránh việc không rõ ràng, thiếu tính minh bạch...

Cần phải quy định ngay trong luật về thời hạn sử dụng cụ thể của nhà chung cư
để tránh việc không rõ ràng, thiếu tính minh bạch... - ảnh minh họa
Quá trình thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) cho thấy, dự án Luật còn rất nhiều bất cập, cần phải được nghiên cứu, chỉnh sửa.

Đơn cử, theo quy định tại khoản 1 Điều 100 của dự thảo Luật, thời hạn sử dụng nhà chung cư được thực hiện theo cấp công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng. Khi nhà chung cư hết thời hạn sử dụng và không còn bảo đảm chất lượng, không an toàn cho người sử dụng thì chủ sở hữu có trách nhiệm phá dỡ để xây dựng lại hoặc bàn giao cho cơ quan có thẩm quyền để phá dỡ và xây dựng các công trình khác.

Tuy nhiên, Ủy ban pháp luật cho rằng, vấn đề sở hữu nhà ở là một trong những quyền cơ bản của công dân đã được hiến định và chỉ có thể hạn chế theo quy định của luật. Do vậy, nếu thấy phù hợp thì phải quy định ngay trong luật về thời hạn sử dụng cụ thể của nhà chung cư, tránh việc không rõ ràng, thiếu tính minh bạch. Đồng thời, cần có quy định rõ việc xử lý đối với các nhà chung cư đã xây dựng trước đây đã xuống cấp, hư hỏng nặng và mất an toàn hoặc quy định thời hạn sử dụng không chỉ đối với nhà chung cư mà còn đối với nhà ở riêng lẻ.

Đặc biệt, các quy định trong Luật nhà ở hiện hành đã thể hiện rõ yêu cầu về phát triển nhà ở, từ diện tích sàn, diện tích tối thiểu, chiều ngang mặt nhà, tuy nhiên, trong dự thảo Luật thì các nội dung nêu trên lại quy định chung chung, không cụ thể, trong đó có nội dung được giao cho Bộ Xây dựng hoặc địa phương quyết định. Do đó, UB Pháp luật đề nghị trong Luật này cần quy định cụ thể các chỉ tiêu, định mức nhằm thực hiện được đầy đủ mục tiêu về nhà ở đã được đề ra trong các văn kiện của Đảng, tạo điều kiện cho các đối tượng chính sách và người có thu nhập thấp có nhà ở phù hợp.

Về cho thuê đất để xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, Uỷ ban Pháp luật cho rằng, dự thảo Luật quy định chung là quỹ đất sử dụng xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội (gồm nhà bán, cho thuê mua, cho thuê) do Nhà nước cho thuê là chưa phù hợp và có thể phát sinh hậu quả pháp lý phức tạp đối với trường hợp nhà ở gắn liền với đất thuê nhưng đất đã hết thời gian thuê. Vì vậy, đề nghị cần quy định cụ thể là đối với trường hợp Nhà nước cho thuê đất thì chỉ xây dựng nhà ở với mục đích cho thuê.

Về chính sách phát triển nhà ở công vụ, theo mục 3 Chương III của dự thảo Luật thì Nhà nước đầu tư xây dựng quỹ nhà ở công vụ hoặc mua, thuê nhà ở thương mại để làm nhà ở công vụ. Quỹ nhà ở công vụ bao gồm nhà ở công vụ của trung ương và nhà ở công vụ của địa phương. Nhà ở công vụ được dùng để bố trí cho các đối tượng thuộc diện được ở nhà công vụ theo quy định của Luật này để thuê trong thời gian đảm nhận chức vụ, công tác.

Về vấn đề này, nhiều ý kiến trong Ủy ban pháp luật cho rằng, cần phải làm rõ định hướng phát triển nhà ở công vụ ngay trong Luật để tránh việc phát triển phiến diện, chỉ bó hẹp đối tượng được thuê, cấp nhà ở công vụ như hiện nay. Việc Nhà nước đầu tư xây nhà ở công vụ hiện nay cho một số ít đối tượng thực chất là bao cấp  về nhà ở, trong khi số đông cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ, công chức, viên chức ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có nhu cầu cấp thiết thì chưa được đáp ứng. Vì vậy, ý kiến này cho rằng, yêu cầu đặt ra là phải xây dựng định hướng phát triển nhà cho thuê đối với mọi đối tượng thực hiện công vụ, chứ không nên đặt vấn đề chỉ bao cấp cho một số đối tượng nhất định.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, trong điều kiện hiện nay, việc cho thuê nhà ở công vụ cho một số ít đối tượng đang công tác là cần thiết nhưng chỉ nên duy trì hình thức nhà ở công vụ với đối tượng là cán bộ cao cấp được luân chuyển, điều động công tác và cán bộ, công chức, viên chức công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị nghiên cứu bỏ nhà ở công vụ và cần tính đúng, tính đủ các khoản tiền này vào lương của cán bộ, công chức, viên chức để bảo đảm công bằng cho mọi đối tượng.

Về quy định thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai, theo quy định tại Điều 144 của dự thảo Luật thì chủ đầu tư các dự án xây dựng nhà ở được thế chấp dự án hoặc thế chấp nhà ở xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam để vay vốn phát triển nhà ở nhưng phải giải chấp nhà ở này trước khi ký hợp đồng mua bán, cho thuê mua nhà ở cho khách hàng. Đối với tổ chức, cá nhân mua nhà ở hình thành trong tương lai trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở của chủ đầu tư cũng được quyền thế chấp nhà ở để vay vốn cho phát triển nhà ở.

Theo Ủy ban pháp luật, với quy định cả hai đối tượng là chủ đầu tư và người mua cùng có quyền thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai thì mặc dù có quy định trước khi bán chủ đầu tư phải giải chấp nhưng vẫn có thể dẫn đến tình trạng cả hai đối tượng cùng thế chấp một nhà ở trong dự án xây dựng. Bởi vì, người mua khó có thể biết được chủ đầu tư đã giải chấp đối với nhà ở mà chủ đầu tư đã bán. Trong khi điều kiện của nhà ở tham gia giao dịch lại không bắt buộc có quy định về văn bản giải chấp hoặc văn bản chứng minh nhà ở hình thành trong tương lai được mua bán là chưa được thế chấp.

Mặt khác, quy định tại Điều 68 của dự thảo Luật còn cho phép huy động vốn cho  phát triển nhà ở đối với tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham gia đầu tư phát triển nhà ở. Như vậy, nếu có quy định về điều kiện giải chấp trước khi bán nhà ở trong dự án thì có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua nhà vì sẽ khó được ký hợp đồng mua bán nhà ở mà chỉ là hợp đồng góp vốn. Vì vậy, để góp phần bảo đảm ổn định thị trường nhà ở, hạn chế tình trạng đầu cơ, lũng đoạn thị trường nhà ở, đề nghị cần quy định cụ thể việc góp vốn và phân biệt rõ hai hình thức huy động vốn và mua bán nhà hình thành trong tương lai.

Xuân Hưng

Nguồn: VNmedia (24/05/2014)


"Chuyển chủ" toàn bộ tiền quỹ bảo trì chung cư?

Phương án cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện nơi có nhà chung cư có trách nhiệm lập một tài khoản riêng tại ngân hàng để quản lý kinh phí bảo trì chung cư…tại dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi đã nhận sự lắc đầu của hầu hết cư dân.

Báo điện tử Infonet đã có bài viết với tiêu đề: "Tiền chùa" ở chung cư: Ôm trăm tỷ, "nhả" nhỏ giọt để phản ánh vấn đề con số 2% quỹ bảo trì thu được tại mỗi khu chung cư lên tới vài chục tỷ đến hàng trăm tỷ đồng nhưng nhiều khu chung cư bị các chủ dự án “ôm tất” hoặc chỉ chịu “nhả” nhỏ giọt cho qua chuyện.

Quỹ bảo trì đã được Luật Nhà ở năm 2005 quy định, việc quản lý và giữ 2% phí bảo trì chung cư thuộc về Ban quản trị chung cư. Ban này được bầu ra từ hội nghị chung cư, được sự công nhận hợp pháp của chính quyền địa phương. Việc sử dụng kinh phí này phải được sự thống nhất của cư dân.

Tuy nhiên, dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi lại mới thay đổi quy định trên theo hướng khác. Cụ thể, tại Điều 105 nêu: Cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện nơi có nhà chung cư có trách nhiệm lập một tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại đang hoạt động trên địa bàn để quản lý kinh phí bảo trì phần sở hữu chung cho các nhà chung cư trên địa bàn.

Sau khi thu kinh phí của người mua, thuê mua căn hộ hoặc phần diện tích nhà thì chủ đầu tư có trách nhiệm chuyển kinh phí này vào tài khoản do cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện lập.

Khi phát sinh công việc cần bảo trì theo kế hoạch đã được Hội nghị nhà chung cư thông qua, Ban quản trị nhà chung cư chủ trì, phối hợp với đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư lập dự toán kinh phí cho các công việc cần bảo trì và có văn bản kèm theo dự toán kinh phí bảo trì này gửi cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện nơi đang quản lý kinh phí bảo trì. Khi nhận được đề nghị giải ngân kinh phí của Ban quản trị nhà chung cư, cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện phải có văn bản đề nghị ngân hàng nơi quản lý kinh phí bảo trì thực hiện giải ngân khoản kinh phí này.

Trước sự thay đổi "chuyển cho cấp huyện quản lý quỹ bảo trì chung cư", nhiều đại diện cư dân, đơn vị quản lý tòa nhà cũng như luật sư đều thể hiện sự không đồng tình.

Ông Đặng Trọng Hiếu, Trưởng Ban quản trị khu căn hộ Sky City (88 Láng Hạ, Hà Nội) cho rằng, làm như thế thì càng mất thời gian cho cư dân khi xảy ra sự cố cần khắc phục, bảo trì hạng mục công trình. Chẳng hạn, thang máy trục trặc cần xử lý ngay nhưng lại phải chờ cơ quan quản lý phê duyệt, làm công văn đề nghị ngân hàng giải ngân thì phức tạp, mất thời gian không cần thiết.

Việc quản lý quỹ bảo trì chung cư đang được đề ra hướng "cơ quan quản lý cấp huyện"
tham gia quản lý nhưng không được người dân đồng tình.
“Tốt nhất nên để Ban quản trị quản lý quỹ bảo trì này để người dân chủ động trong việc sửa chữa, bảo trì tòa nhà”, ông Hiếu cho hay.

Đại diện cư dân tòa nhà Keangnam (Phạm Hùng, Hà Nội), bà Trịnh Thúy Mai đề xuất: “Nhà nước chỉ cần quy định rõ một cơ quan hay ngân hàng đứng ra thu khoản quỹ bảo trì này rồi sau đó bàn giao lại cho Ban quản trị quản lý”.

Cho rằng quy định mới về quỹ bảo trì tại dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi là không đúng luật, ông Nguyễn Hồng Minh – Tổng giám đốc công ty CP quản lý và khai thác tòa nhà PMC nhấn mạnh: Mỗi một chung cư là tài sản của người dân, quỹ bảo trì do dân đóng là của cư dân, không phải tiền của Nhà nước. Việc tuân thủ quy định phải bảo trì chung cư là điều bắt buộc đối với cư dân. Vì thế, nếu chủ đầu tư không chịu bàn giao số tiền quỹ bảo trì cho ban quản trị chung cư thì cơ quan quản lý cần phải có chế tài xử lý.

Ông Minh cho rằng: Nên để quỹ bảo trì cho Ban quản trị chung cư quản lý và sử dụng nhưng cần phải có luật, có quy định cụ thể cho Ban quản trị hoạt động, điều hành quỹ bảo trì cho minh bạch.

“Ở các nước như Thái Lan, Nhật Bản, Singapore… đều thành lập Ban quản trị là pháp nhân đặc thù riêng, như một công ty sở hữu chung tất cả các tài sản sở hữu chung. Có luật điều chỉnh chi tiết số tiền quỹ bảo trì, tạm thời ban đầu đóng 2% theo giá nhà mua lúc đầu, nếu khi nào sử dụng hết thì cư dân tiếp tục đóng.

Đặc biệt, tại nhiều nước còn có quy định chặt chẽ: khi công trình không bảo trì, bảo dưỡng hàng năm thì không được Cục quản lý nhà cấp phép cho công trình đạt tiêu chuẩn thì dự án này không được quyền mua bán, hay cho thuê nhà…”, ông Minh dẫn chứng những điều chúng ta cần học tập.

Trao đổi với PV Infonet, Luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH YouMe (Hà Nội) cho hay: Cần xác định rõ, phí bảo trì chung cư là tài sản của các chủ sở hữu chung cư. Do đó, các chủ sở hữu sẽ thông qua Ban quản trị nhà chung cư - người đại diện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ - quyết định (định đoạt) tài sản của chính họ.

Nếu dự thảo luật Nhà ở sửa đổi, giao cho một cơ quan quản lý Nhà nước quyền hạn “quản lý kinh phí bảo trì”, có nghĩa rằng đã can thiệp quá sâu, “hành chính hóa” các quan hệ dân sự và hạn chế quyền của người chủ sở hữu.

Mặt khác, dự thảo luật quy định “cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện”, chưa xác định rõ đó là đơn vị nào, có thể là Phòng quản lý đô thị. Tuy nhiên, có thể thấy, nếu dự thảo luật được thông qua phát sinh thêm chức năng, nhiệm vụ mới cho đơn vị này (quản lý quỹ). Hơn nữa, nếu địa bàn có nhiều nhà chung cư, đồng nghĩa “cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện” sẽ phải lập rất nhiều tài khoản để quản lý các quỹ, như vậy sẽ là quá ôm đồm, tạo ra khối lượng công việc không nhỏ cho các cơ quan này.

Luật sư Minh cho rằng: Theo quy định của pháp luật về nhà ở, thì quyền của Ban quản trị khá rộng. Luật Nhà ở quy định “trách nhiệm” của chủ đầu tư, “trách nhiệm” cơ quan quản lý nhà nước để thành lập Ban quản trị cũng như tạo điều kiện thuận lợi để Ban quản trị hoạt động. Thế nhưng trên thực tế, quyền hạn của Ban quản trị nhà chung cư bị hạn chế rất nhiều. Có chung cư đã đưa vào sử dụng nhiều năm nhưng không thể thành lập được Ban quản trị, hoặc có Ban quản trị nhưng bị “vô hiệu hóa”.

“Cơ quan báo chí, truyền thông, phản ánh những sự việc chủ đầu tư cố tình trì hoãn không tổ chức Hội nghị nhà chung cư lần đầu để thành lập Ban quản trị, không bàn giao lại quỹ bảo trì cho Ban quản trị... dẫn tới nhiều tranh chấp căng thẳng giữa các bên, nhưng hầu như chưa có chủ đầu tư vi phạm bị áp dụng chế tài. Điều đó cho thấy, cơ quan quản lý nhà nước hiện vẫn chưa hoàn thành “trách nhiệm” được giao. Nếu tiếp tục giao thêm chức năng, nhiệm vụ mới như quản lý quỹ bảo trì thì các cơ quan này ngày càng quá tải, luật như vậy càng xa rời thực tiễn, khó có thể triển khai”, LS Minh phân tích.

Minh Thư
Nguồn: Info Net (23/05/2014)

Bảng tổng hợp hồ sơ kỹ thuật của 3 cty tham gia thầu 'Quản lý & vận hành chung cư' năm 2014-2016

Hướng tới Hội nghị nhà chung cư 22/5/2014. BQT lập bảng tổng hợp các thông số chính rút ra từ hồ sơ tham gia thầu của 3 công ty, để thuận tiện cho cư dân lựa chọn công ty sẽ quản lý vận hành nhà chung cư EHome2 một cách tốt nhất.

(1) Cty Dịch Vụ Nam Long.
(2) Cty Nhà Tôi (My House).
(3) Cty Nguyễn Minh Hoàng.

Bấm vào đây xem đầy đủ chi tiết bảng tổng hợp thông số (dài 4 trang)


Bấm vào đây xem đầy đủ chi tiết bảng tổng hợp thông số (dài 4 trang)

"Tiền chùa" ở chung cư: Ôm trăm tỷ, "nhả" nhỏ giọt

Ban quản trị chung cư The Manor mới chỉ nhận được 1 tỷ đồng quỹ bảo trì.
Con số 2% quỹ bảo trì thu được tại mỗi khu chung cư lên tới vài chục tỷ đến hàng trăm tỷ đồng nhưng nhiều nơi bị các chủ dự án “ôm tất” hoặc chỉ chịu “nhả” nhỏ giọt cho qua chuyện…

"Ôm” tiền tỷ…. “nhả” nhỏ giọt

Mặc dù đã có quy định chủ đầu tư có trách nhiệm lập tài khoản tiền gửi phí bảo trì cho từng nhà chung cư tại ngân hàng thương mại, với lãi suất không thấp hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn kể từ khi đưa chung cư vào sử dụng.

Tiền lãi phát sinh hàng tháng được gộp vào tiền gốc để phát triển quỹ. Quỹ bảo trì này sẽ sử dụng khi chung cư hết thời hạn bảo hành, dùng để sửa chữa khi phát sinh các hư hỏng, sự cố liên quan đến bảo trì phần sở hữu chung của chung cư.

Song, trên thực tế tại nhiều chung cư đã sử dụng nhiều năm nay thì vấn đề quỹ bảo trì chung cư lại không được thực hiện rành mạch như quy định khi chủ đầu tư cố “ôm” số tiền đã thu để hưởng lợi. Bởi lẽ, số tiền của quỹ bảo trì chung cư lên đến 2% giá trị các căn hộ được bán thì tại mỗi dự án có hàng trăm căn hộ, tổng số tiền quỹ này sẽ là con số không nhỏ.

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Nhung Hạnh, Tổ trưởng dân phố khu căn hộ The Manor (Hà Nội) cho biết: Dù chủ đầu tư đã thu được 5,2 tỷ đồng từ 2% quỹ bảo trì của 58 căn hộ nhưng đến nay mới bàn giao cho BQT 1 tỷ đồng, số tiền còn lại đến nay vẫn “im hơi lặng tiếng”.

Sở dĩ đến nay dự án này vẫn chưa thu được hết tiền quỹ bảo trì là do tại thời điểm mua bán căn hộ năm 2003-2004 chưa có quy định này. Dự án có 450 căn hộ, nhưng chủ đầu tư mới thu được 58 căn. Hiện tại The Manor đã có số tài khoản quỹ bảo trì riêng tại ngân hàng BIDV, sau khi giải quyết được số tiền chủ đầu tư còn nợ, chưa bàn giao cho BQT khoảng 4 tỷ đồng thì các chủ căn hộ còn lại sẽ tiếp tục đóng.

“Dự án đã vận hành được 7 năm, đến nay có nhiều hạng mục cần bảo dưỡng, sửa chữa như: Hệ thống nước thải, chống thấm của tòa nhà; máy phát điện, hệ thống thang máy dù đã được bảo trì hàng tháng nhưng nay cũng cần bảo dưỡng, tu sửa để đảm bảo an toàn… nhưng chủ đầu tư vẫn “chây ì” không chịu bàn giao số tiền đã thu của các căn hộ cho BQT”.

Tại khu căn hộ Sky City (88 Láng Hạ, Hà Nội), ông Đặng Trọng Hiếu, Trưởng Ban quản trị cho hay: Sau nhiều kiến nghị, chủ đầu tư là Công ty TNHH Hanotex đã tạm chi một phần tiền phí bảo trì cho BQT là 15 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Hiếu, ước tính số tiền quỹ bảo trì của cả dự án gồm 450 căn khoảng 45-50 tỷ đồng. Số tiền chính xác BQT cũng không thể nắm được do chủ đầu tư đến nay vẫn chưa thực hiện quyết toán.

Ông Hiếu cho rắng: Với số tiền còn nợ khá lớn khoảng 30 tỷ đồng, chưa biết đến khi nào mới được chủ đầu tư bàn giao lại cho BQT nếu cơ quan chức năng không có chế tài cụ thể buộc chủ đầu tư phải nhanh chóng bàn giao khoản tiền quỹ bảo trì này.

“Hiện tại Sky City, khoản tiền quỹ bảo trì này đã được gửi vào 1 tài khoản ngân hàng, chỉ chi tiêu cho công việc liên quan đến bảo trì tòa nhà. Tài khoản này được quản lý theo cơ chế đồng chủ tài khoản cho Trưởng và phó BQT. Các hoạt động chi tiêu của tài khoản sẽ được thông báo tới tất cả thành viên của BQT để họ biết được mỗi đồng tiền được chi ra đều có sự giám sát của các thành viên. Cơ chế này khá chặt chẽ và đảm bảo quyền chủ động của người dân khi phải sửa chữa bất kỳ hạng mục nào của tòa nhà”, ông Hiếu cho biết thêm.

…. đến “ôm” hàng trăm tỷ không chịu “nhả” một đồng

Riêng tại dự án Keangnam trên đường Phạm Hùng (Hà Nội) dù đã có Ban quản trị (BQT) và đã nhiều lần có văn bản yêu cầu chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện quy định nhưng số tiền quỹ bảo trì vẫn chưa được bàn giao cho BQT đồng nào.

Theo bà Trịnh Thúy Mai, đại diện BQT cư dân Keangnam: theo tính toán, tổng số diện tích sàn căn hộ và thương mại của toà nhà khoảng 150.000 m2 và giá bán căn hộ là 2.800 USD/m2 thì phí bảo trì mà chủ đầu tư đã thu lên tới khoảng từ 190 đến 210 tỷ đồng.

Quỹ bảo trì tại chung cư Keangnam lên tới xấp xỉ 200 tỷ đồng
nhưng chủ đầu tư chưa chịu trả lại đồng nào cho ban quản trị chung cư.
Tuy nhiên, bà Mai cho hay : khi tiền đã nộp cho chủ đầu tư rồi, chờ họ chuyển cho BQT quản lý vô cùng khó khăn, dù đã nhiều lần họp, đề nghị bằng văn bản giấy tờ.

“Khi cư dân yêu cầu chủ đầu tư trả số tiền này về cho BQT để phục vụ cho việc bảo trì nhà, chủ đầu tư Keangnam Vina luôn tìm mọi lý do lẩn tránh, trì hoãn hoặc trả lời rất vòng vo, khó hiểu. Và cho đến nay, gần 200 tỷ đồng này đã đi đâu, được chủ đầu tư chi dùng vào việc gì cư dân hoàn toàn không biết. Công ty Keangnam Vina cho rằng, do cần phải báo cáo “Công ty mẹ”, nên chưa thể thực hiện được yêu cầu này”, bà Mai bức xúc.

Trước sự việc này bà Mai cho rằng: BQT tòa nhà gần như đã bất lực trước sự chây ì của chủ đầu tư. Bởi lẽ luật đề ra việc quản lý, sử dụng quỹ bảo trì rất rõ ràng, nhưng lại không có chế tài cụ thể xử lý chủ đầu tư nên chủ đầu tư vẫn ngang nhiên tìm mọi cách chiếm dụng.

“Nhà nước cần quy định rõ một cơ quan hay ngân hàng đứng ra thu khoản này rồi sau đó bàn giao lại cho BQT”, bà Mai đề xuất.

Với số tiền quỹ bảo trì tại mỗi dự án chung cư lên tới từ vài chục tỷ đồng đến vài trăm tỷ đồng là khoản tiền không hề nhỏ. Thế nhưng với tình trạng bất chấp quy định, chủ đầu tư vẫn không chịu “nhả” số tiền này để bàn giao cho BQT tại các khu chung cư quản lý và sử dụng đúng mục đích thì việc người dân muốn có những chế tài chặt chẽ hơn để buộc chủ đầu tư phải bàn giao lại số tiền quỹ bảo trì là chính đáng.

Minh Thư

Nguồn: Info Net
(Ngày 19/05/2014)

Bảng thông tin đại biểu ứng cử vào BQT nhiệm kỳ 2, 2014-2016

Danh sách gồm có 19 đại biểu đại diện đầy đủ cho 5 block của chung cư, trong đó có 4 đại biểu (tên được tô vàng ở hình bên) là thành phần nồng cốt của BQT nhiệm kỳ 1 ở lại tiếp tục ứng cử vào nhiệm kỳ 2.


Download file .pdf tại đây


Báo cáo thu chi Kinh phí hoạt động BQT nhiệm kỳ 1, 2012-2014

Trong 2 năm hoạt động, BQT đã chi hết 27,5 triệu, trong khi nguồn thu cho kinh phí hoạt động là 24 triệu (24 x 1triệu). BQT đã chủ động bù thêm 3,5 triệu từ thù lao các thành viên của BQT.

Bấm vào đây để xem chi tiết bản báo cáo thu chi kinh phí hoạt động BQT từ 2012-2014




Báo cáo tổng kết hoạt động của BQT năm 2013-2014

Báo cáo tổng kết của BQT nhiệm kỳ 1, 2012-2014, bảng báo dài 6 trang bao gồm các hạng mục như: Lưu trữ hồ sơ, kiểm tra giám sát công tác quản lý vận hành chung cư, kiểm tra các báo cáo thu chi tài chính của công tác QLVH nhà chung cư, giám sát việc bảo trì sữa chửa chung cư, các công văn mô tả diễn biến v/v đòi tiền quỹ bảo trì, những tồn tại và phương hướng phát triển nhiệm vụ 2014-2015.

Download toàn văn file .pdf bản báo cáo đầy đủ tại đây...


------------------- trích đăng một số phần quan trọng trong báo cáo------------------





Báo cáo thu chi Quỹ bảo trì nhiệm kỳ 2012-2014

Trong 2 năm, quỹ bảo trì đã chi ~86 triệu, trong đó chi phí bảo trì thang máy là lớn nhất, 72 triệu, chiếm 83%. Ngoài ra BQT cũng đã tiếp nhận vào Quỹ bảo trì 4 tỷ đồng (trong ~10 tỷ) từ Chủ đầu tư, Cty Nam Long. Tạm tính tiền lãi Quỹ bảo trì tính tới thời điểm này (tháng 5/2014) là ~89 triệu đồng. Số tiền này chưa vào tài khoản vì chưa đến hạn quyết toán



Download file .pdf chi tiết bản báo cáo tại đây...

Toàn văn Thông tư 05/2014 v/v tính phí chung cư theo diện tích thông thủy


Thông tư số 05/2014/TT-BXD của Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung Điểm a Khoản 2 Điều 17 của Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Quyết định số 08/2008/QĐ-BXD ngày 28 tháng 5 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng như sau:

“a) Trường hợp nhà chung cư có một chủ sở hữu thì chủ sở hữu có trách nhiệm thanh toán kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư, trừ trường hợp chủ sở hữu và người sử dụng nhà chung cư có thỏa thuận khác.

Trường hợp nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu thì chủ sở hữu, người sử dụng có trách nhiệm đóng góp kinh phí quản lý vận hành theo nguyên tắc tính đủ chi phí để thực hiện các công việc quản lý vận hành nhà chung cư. Mức đóng góp kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư được tính theo tháng và phân bổ theo diện tích thông thủy của căn hộ hoặc phần nhà khác không phải là căn hộ nhà chung cư (kể cả diện tích nhà để xe) thuộc sở hữu riêng của từng chủ sở hữu nhà chung cư.

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm quy định khung giá chung về quản lý vận hành nhà chung cư trên địa bàn để làm cơ sở cho chủ đầu tư tính toán, xây dựng kinh phí quản lý vận hành và thu của chủ sở hữu, người sử dụng (đối với trường hợp nhà chung cư chưa có Ban quản trị) hoặc để doanh nghiệp quản lý vận hành tính toán, xây dựng kinh phí quản lý vận hành và đề nghị Ban quản trị báo cáo Hội nghị nhà chung cư thông qua (đối với trường hợp nhà chung cư đã có Ban quản trị)”.

Nguồn: Trang web Bộ Xây Dựng (9/5/2014)