Nếp sống văn hóa - văn minh ở chung cư

Cư trú tại nhà tập thể cao tầng thường là cán bộ, công nhân, viên chức,... dù quê hương, điều kiện kinh tế khác nhau nhưng lại gần gũi về công việc, giờ giấc, tuổi tác,... cho nên đa số gia đình sống hòa thuận, biết bảo nhau giữ mối quan hệ, giữ gìn môi trường.

Rồi khi thế hệ ban đầu về già hoặc không còn, thế hệ tiếp nối không được gắn bó như trước. Rồi nhiều căn hộ mua đi bán lại. Dần dà, nền nếp tập thể bị xem nhẹ, mọi người ít khi nhắc nhở, phần ngại va chạm, phần có người như không thích ứng với nền nếp văn hóa, mà cứ làm theo ý mình. Rồi nhân khẩu trong một số gia đình tăng lên, xảy ra hiện tượng cơi nới bừa bãi, làm giảm tính thẩm mỹ  và gây nguy hiểm cho công trình. Tình trạng  này không chỉ xuất hiện tại các khu tập thể cao tầng cũ ở Hà Nội, mà còn xuất hiện ở khu tập thể cao tầng của nhiều thành phố khác. Một số nơi, đang ở trong tình trạng ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng.

Ảnh minh họa
Gần đây, cùng với sự phát triển của đô thị hiện đại, là sự ra đời của chung cư với nhiều kiểu loại khác nhau, từ chung cư cao cấp tới chung cư dành cho các hộ gia đình có nhà đất nằm trong vùng quy hoạch, cho gia đình thu nhập thấp... Chung cư cao cấp là trường hợp loại biệt, không chỉ về giá cả, mà còn về kiến trúc, điều kiện sinh hoạt. Còn đa số chung cư gồm rất nhiều tầng, sử dụng thang máy, hệ thống hạ tầng đồng bộ, có nơi để ô-tô, xe máy. Ðây là xu hướng tất yếu của đô thị hiện đại, giúp cho quy hoạch mang tính khoa học, tiết kiệm diện tích, tạo môi trường để mọi người sống và làm quen với cách thức tổ chức cuộc sống kiểu mới. Nhưng thực tế lại cho thấy, do căn hộ chung cư được bán trực tiếp cho nên tính sở hữu đã được khẳng định, vì thế ý thức về chủ quyền cũng tăng theo. Nếu người ở chung cư thiếu ý thức cộng đồng, dễ đẩy tới hiện tượng không góp phần xây dựng nền nếp chung.

Nhất là, tại một số chung cư ở Hà Nội, do quen với việc làm thêm buổi tối bằng cách xách cái làn cùng dăm cái ghế ngồi bên vỉa hè bán chè chén, xếp vài bộ bàn ghế bán bún, bán phở,... cho nên khi sinh sống ở chung cư, ngoài việc thiếu quan tâm tới môi trường cộng đồng, có người chiếm dụng 'chiếu nghỉ' hay sử dụng hành lang để bán từ dưa, cà, mắm muối đến bán phở, bán xôi... Trong quan hệ giữa cung và cầu, việc mua bán này không chỉ bắt đầu từ người bán, còn từ nhu cầu của người mua; vậy phải chăng, khi quy hoạch và xây dựng chung cư chưa tính tới nhu cầu tối cần thiết hằng ngày của cư dân?

Ðiều kiện vật chất - tinh thần của xã hội ngày càng tăng cao, càng yêu cầu con người phải từ bỏ một số tập quán sống không còn thích hợp, từng bước hình thành và xây dựng một số tập quán sống mới, không những phù hợp với sự phát triển của văn minh, mà còn phù hợp với đòi hỏi của tính văn hóa. Ðối với việc xây dựng các chung cư cũng vậy, muốn cư dân sớm làm quen với kiểu tổ chức cuộc sống mới và hiện đại, thì ngay từ khi các khu chung cư ra đời, các cơ quan chức năng - nhất là các cơ quan quản lý văn hóa ở địa phương, cần sớm quan tâm tới việc tuyên truyền, động viên dân cư tổ chức, xây dựng lối sống văn hóa - văn minh.

Không nên chờ tới khi xuất hiện hiện tượng tiêu cực mới xử lý. Bởi dù sao thì, xây dựng nền nếp văn hóa từ khi mới bắt đầu hình thành một khu dân cư sẽ hiệu quả hơn nhiều so với khi đã 'nên hình, nên hài'.

HÀ YÊN

Báo Nhân Dân (30/11/2011)

Chung cư Ehome2 diễn tập PCCC


Vào ngày 19/11/2011, BQT chung cư phối hợp tổ chức diễn tập phương án chữa cháy, cứu nạn tại chung cư Ehome2.

Chương trình diễn tập phòng cháy chữa cháy (PCCC) nhằm mục đích nâng cao nhận thức, ý thức cho cư dân về công tác PCCC, giúp cư dân nắm vững quy trình tổ chức chữa cháy, thao tác, sử dụng các phương tiện chữa cháy cầm tay đã trang bị lắp đặt; Kiểm tra, đánh giá chất lượng hoạt động của các phương tiện chữa cháy của cơ sở và lực lượng cơ sở PCCC, khả năng phối kết hợp giữa tổ, đội của lực lượng chữa cháy tại chỗ giải quyết tình huống cháy, thoát nạn, cứu nạn.

Sau đây là một số hình ảnh buổi diễn tập: