Tranh chấp giữa BQT và chủ đầu tư Ehome2

Một góc chung cư Ehome2
Ngày 23-8-2012, ĐTTC có bài viết: “Chung cư Ehome 2: Tranh chấp Ban quản trị và chủ đầu tư”. Sau đó Tòa soạn ĐTTC có nhận được công văn của chủ đầu tư là Công ty Nam Long ADC, cho rằng: “Bài viết đã phản ánh được bản chất sự việc một cách khách quan, nhưng không mang tính xây dựng cụ thể…”.

Về việc này, ĐTTC xin nói rõ đây là bài viết mang tính đưa thông tin khách quan từ đơn khiếu nại của Ban quản trị (BQT) chung cư Ehome 2 và trả lời của chủ đầu tư là Công ty Nam Long ADC, xung quanh việc tranh chấp “Quỹ bảo trì chung cư”.

Phía BQT cho rằng: Tháng 10-2011, Hội nghị nhà chung cư Ehome 2 lần thứ nhất được tổ chức bầu ra BQT chung cư hợp lệ. UBND quận 9 đã ban hành Quyết định 12/QĐ/UBND công nhận BQT gồm 11 thành viên do ông Nguyễn Sanh Phát làm trưởng ban.

Tháng 4-2012, Hội nghị nhà chung cư lần hai được tổ chức để thông qua Quy chế tổ chức hoạt động của BQT và nội quy quản lý sử dụng nhà chung cư.

Ngay sau khi thành lập, BQT tiến hành mở tài khoản tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - chi nhánh Thủ Đức dưới tên chủ tài khoản là BQT chung cư Ehome 2, với 2 người đứng tên đại diện là ông Nguyễn Sanh Phát (trưởng ban) và bà Đào Thị Lượng (thành viên đại diện do BQT cử ra) để tiếp nhận và quản lý quỹ bảo trì theo quy định của pháp luật.

Điều này hoàn toàn phù hợp với quy định tại Khoản 1 Điều 20 Quyết định 08/2008/QĐ-BXD ngày 28-5-2008 của Bộ Xây dựng. Ngày 22-4-2012, BQT chung cư và Nam Long đã tổ chức cuộc họp để bàn giao quản lý sử dụng cụm nhà chung cư Ehome 2 với sự tham gia của toàn bộ thành viên BQT, đại diện của UBND và công an phường Phước Long B. Tuy nhiên, phía Nam Long không có người đại diện hợp pháp để thực hiện việc bàn giao nên cuộc họp không thể thực hiện được.

Theo trình bày của Công ty Nam Long ADC: Ngày 24-4-2012, công ty đã tiến hành bàn giao hồ sơ công trình cụm chung cư Ehome 2, dưới sự chứng kiến của UBND phường Phước Long B, quận 9, nhưng BQT chung cư Ehome 2 không nhận.

Với lý do sẽ ký nhận bàn giao tất cả hồ sơ tài liệu, phần sở hữu chung cùng với thời điểm nhận quỹ bảo trì. Ngày 27-4-2012, Công ty Nam Long ADC nhận được hồ sơ bao gồm giấy đề nghị chuyển khoản và số tài khoản của BQT, đề nghị công ty chuyển khoản tiền quỹ bảo trì cho BQT.

Tuy nhiên hồ sơ này chỉ là giấy mở tài khoản cá nhân của 2 thành viên BQT, thông tin tài khoản không rõ ràng, bản chất tài khoản cá nhân này hoàn toàn khác với quy định tại nội quy hoạt động do BQT đặt ra tại Hội nghị nhà chung cư lần hai.

Cũng theo Nam Long, theo quy định của Luật Nhà ở, Quyết định 08/2008 của Bộ Xây dựng, trách nhiệm của chủ đầu tư phải quản lý vận hành chung cư hoặc thuê công ty có chức năng kinh doanh quản lý vận hành trước khi BQT được thành lập.

Và Công ty Nam Long ADC đã ủy thác cho CTCP Dịch vụ Nam Long vận hành chung cư ngay khi bàn giao nhà cho khách hàng. Đến thời điểm BQT được thành lập, công nhận, Công ty Nam Long ADC đã thanh lý hợp đồng ủy thác này. Trách nhiệm ký hợp đồng với đơn vị vận hành nhà chung cư thuộc về cộng đồng cư dân lựa chọn và BQT sẽ thay mặt cư dân để xác lập hợp đồng.

Vào tháng 4-2012, BQT chung cư Ehome 2 đã tổ chức hội nghị lần 2, trong hội nghị này đã đưa ra danh sách các công ty dịch vụ vận hành quản lý chung cư. Theo biểu quyết các cư dân đã chọn CTCP Dịch vụ Nam Long - đây là đơn vị do Công ty Nam Long ADC đã ủy thác quản lý trong năm đầu tiên khi chung cư được đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, BQT lại không tiến hành ký hợp đồng quản lý vận hành theo quyết định của các cư dân. Dẫn đến tình trạng hiện nay, CTCP Dịch vụ Nam Long trước đây đã quản lý nên tiếp tục quản lý mà không có đơn vị nào tái ký hợp đồng.

Như vậy có thể khẳng định, tranh chấp giữa BQT và chủ đầu tư là những vấn đề lấn cấn trong Quyết định 08/2008 của Bộ Xây dựng.

Nguồn: ĐTTC
(Ngày 29/11/2012)

Vỡ mộng đầu tư chung cư mini

Chịu chung thảm cảnh của thị trường nhà đất, chung cư mini giờ không còn là lựa chọn ưu tiên của nhiều khách mua nhà. Nhiều chủ dự án tìm mọi cách xoay xở không bán được, đành tính kế cho thuê.

Cơn sốt đầu tư chung cư mini bùng lên từ cuối 2009 đầu 2010, khi giá nhà đất nội thành Hà Nội và TP HCM leo quá cao, vượt quá khả năng chi trả của hầu hết người có nhu cầu. Với các cặp vợ chồng trẻ từ ngoại tỉnh lên thành phố lập nghiệp, nhu cầu của họ chỉ là một căn hộ 20-30 mét vuông gần thành phố để ổn định cuộc sống, và không quá cầu kỳ về tính pháp lý, giấy tờ. Giá chung cư mini thời đó chừng 800 triệu đến 1 tỷ đồng được nhiều người chấp nhận. Tuy nhiên, khi thị trường địa ốc đóng băng hiện nay, các chủ dự án thương mại đua nhau giảm giá, chung cư mini không còn là lựa chọn hấp dẫn.

Anh Nguyễn Thành Trung, chủ một chung cư mini tại Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội đã áp dụng các chương trình khuyến mãi như tặng máy giặt, điều hòa, tivi... nhưng mới bán được 40% số căn hộ. "Mở bán cả năm nay nhưng mới được 13 trên tổng 30 căn. Hồi đầu giá là 1,15 tỷ đồng, giờ giảm còn 1,05 tỷ nhưng cũng không mấy người hỏi mua", anh Trung chia sẻ.

Chủ nhiều chung cư mini sau thời gian giao bán
nhưng giao dịch quá chậm đã chuyển sang cho thuê.
Không kiên nhẫn thêm được nữa, anh quyết định rao cho thuê 5,5 triệu đồng một tháng mỗi căn rộng 55m2. "Nếu khách ký hợp đồng dài hạn từ một năm trở lên thì mỗi năm cũng thu được vài chục triệu mỗi căn. Tình hình này chắc khó mà bán trong chốc lát được nên cho thuê để thu hồi vốn", anh Trung cho hay.

Anh Hoàng Xuân Khánh, chủ một dự án chung cư mini ở Trung Văn, Từ Liêm cũng đã rao bán các căn hộ từ đầu năm 2012 với giá 18,5 triệu đồng một m2. Khu chung cư có 2 loại căn hộ diện tích xấp xỉ 45 và 51 m2.

Sau một thời gian, anh quyết định chiết khấu và tặng gói nội thất với tổng trị giá khoảng 80 triệu một căn nhưng mới bán được 8 trong tổng số 28 căn hộ. Nay anh đành cho thuê với giá 4 đến 5 triệu đồng mỗi tháng, hợp đồng 6 tháng một lần.

Để đầu tư xây tòa chung cư mini 7 tầng này, ngoài số tiền sẵn có anh đã phải vay thêm 3 tỷ đồng. Khi mở bán vì giao dịch chậm nên anh vẫn phải "cắn răng" chịu khoản lãi mỗi tháng vài chục triệu đồng.

“Thực ra nhà xây để bán nên vốn không muốn cho thuê, sợ cũ, hỏng bán sẽ mất giá. Tuy nhiên, mỗi tháng chịu vài chục triệu tiền lãi, trong khi nhà mãi không bán được mà cứ để không thì xót ruột”, anh Khánh chia sẻ.

Anh Nguyễn Văn Hiển, nhân viên kinh doanh một sàn bất động sản tại Trung Văn cho biết, hiện sàn anh tồn khá nhiều căn hộ mini. Các tòa nhà này nằm nhiều ở các khu vực Trung Văn, Đông Ngạc, Cầu Diễn (Từ Liêm) và ở khu vực Khương Thượng (Đống Đa), Kim Giang (Thanh Xuân)…

“Nhiều tòa nhà, chủ gửi cả mấy chục căn mà mới bán được vài ba căn. Vài tháng nay hầu như không có ai hỏi mua vì khách chê giá cao hơn nhà thương mại, trong khi thủ tục pháp lý không rõ ràng. Chính vì thế, nhiều chủ nhà sau khi rao bán nhưng ế ẩm đã chấp nhận nhờ sàn tìm người để cho thuê”, anh Hiển cho biết.

Theo anh Hiển, những dự án chung cư mini có thể vào ở luôn bán rất chậm, còn các dự án góp vốn, đóng tiền theo tiến độ thì hầu như không có khách hỏi han gì. "Nhà ở luôn khách hàng còn không tha thiết, huống chi là nhà đóng theo tiến độ", anh Hiển nói.

Anh Hiển cho biết hiện giá chung cu mini ở khu vực Từ Liêm dao động từ 15 đến 20 triệu đồng một m2, một số khu vực trung tâm hơn như Thái Thịnh, Tôn Thất Tùng, đường Láng giá dao động từ 30-40 triệu đồng, cao hơn cả chung cư do doanh nghiệp xây.

Chị Đặng Như Quỳnh, Giám đốc một sàn giao dịch tại Từ Liêm cũng cho biết, gần đây ít khách hàng tìm hiểu về dự án chung cư mini vì nhiều nhà thương mại giảm giá khá mạnh. Vị này cho biết, một số khách hàng mua chung cư mini bên sàn chị thời gian trước thậm chí muốn bán lại để chuyển sang mua nhà thương mại.

"Chủ đầu tư căn hộ mini cũng sẵn sàng khuyến mãi khá 'hậu' cho người mua nhưng vẫn không khiến khách quyết định xuống tiền vì giờ họ có nhiều lựa chọn. Hơn nữa, nhiều dự án thương mại cũng khuyến mãi hấp dẫn không kém. Ế ẩm nên nhiều chủ đầu tư căn hộ mini chấp nhận cho thuê, gỡ lại đồng vốn đã đầu tư", chị Quỳnh cho hay.

VNE

Nguồn: Petrotimes (11/11/2012)

Quy định liên quan đến nhà chung cư cần sớm được sửa đổi

Khu tái định cư Nam Trung Yên. (Nguồn: Tienphong)
Tọa đàm “Quản lý nhà chung cư cao tầng - thực trạng và giải pháp” tổ chức ngày 2/11/2012, nhằm trao đổi, đánh giá và đề xuất kiến nghị những nội dung cần thiết để hoàn thiện dự thảo Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư trên địa bàn.

Từ ý kiến của các nhà chuyên môn cho thấy, nhiều quy định liên quan đến quản lý chung cư còn chưa phù hợp với thực tế nên đã phát sinh khiếu kiện. Song, quan trọng là người chủ của chung cư cần có sự thay đổi về ý thức, hiểu rõ trách nhiệm của chính mình và chính quyền địa phương không thể đứng ngoài cuộc.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết do quá trình phát triển nhà chung cư trên địa bàn thành phố tương đối nhanh và có nhiều thay đổi so với thời kỳ trước, trong khi một số quy định của pháp luật trong Luật Nhà ở cộng với nhận thức của một số chủ đầu tư, đơn vị quản lý và một bộ phận người dân còn hạn chế, nên trong thời gian qua đã xảy ra một số vướng mắc trong quá trình quản lý hoặc xảy ra khiếu kiện, tranh chấp giữa người dân và chủ đầu tư.

Theo ông Hùng, để giải quyết những tồn tại này, Hà Nội cần phải thực hiện đồng bộ một số giải pháp như nghiên cứu, thống kê các vướng mắc, khiếu kiện, tranh chấp liên quan đến việc quản lý vận hành nhà chung cư, từ đó đối chiếu với các quy định hiện hành của pháp luật để tiếp tục kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật.

Trước mắt, trong khi chờ sửa đổi Luật Nhà ở cần phải ban hành quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư trên địa bàn theo hướng: chủ đầu tư hoặc đơn vị quản lý nhà chung cư (được chủ đầu tư hoặc cơ quan có thẩm quyền đặt hàng quản lý) chịu trách nhiệm quản lý sử dụng, vận hành có sự phối hợp giám sát của Ban quản trị nhà chung cư và chính quyền địa phương nơi có nhà chung cư.

Cùng với đó, đối với quận, huyện có nhà chung cư cần chủ động phối hợp với chủ đầu tư và đơn vị quản lý vận hành để tháo gỡ tranh chấp, vướng mắc của người dân. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn để người dân nắm rõ được các quy định của thành phố liên quan đến việc quản lý sử dụng, vận hành nhà chung cư. Đối với những vi phạm đã được pháp luật quy định và có chế tài xử lý, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện cần tổ chức kiểm tra để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhằm thiết lập trật tự, kỷ cương trong quản lý sử dụng nhà ở chung cư.

Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhận định rằng vấn đề quản lý chung cư không đơn giản, cần thống nhất quan điểm và trong lúc chờ đợi sự thay đổi của Luật Nhà ở cần có quy định cụ thể của từng địa phương, đặc biệt là thành phố Hà Nội.

Nhưng tiến sĩ Liêm không đồng tình với quan điểm giao chủ đầu tư chịu trách nhiệm quản lý chung cư như hiện nay mà các quận, huyện phải chịu trách nhiệm về quản lý chung cư. Thành phố cần có chỉ thị về vấn đề này và cần có các mẫu hợp đồng, sổ tay chung cư để người dân dễ hiểu. Ban quản lý chung cư, đại diện cho dân phải tham gia những khóa học về quản lý chung cư, bởi thực tế cơ quan quản lý chưa nắm được nguyên lý: chủ tài sản phải có quyền và trách nhiệm quản lý tài sản của mình; chung cư là tài sản đặc thù gồm quyền tài sản riêng và tài sản chung.

Theo tiến sĩ Liêm, Luật cần có quy định chi tiết để chung cư lúc nào cũng có người quản, kể cả giai đoạn chưa có hội nghị chung cư. Đặc biệt phải nêu rõ các phần sở hữu chung, riêng, phần sở hữu của chủ đầu tư.
Người mua phải xem kỹ để khi đã ký hợp đồng là phải cam kết thực hiện điều lệ tạm thời. Một trong hai điều kiện là khi 1/2 chung cư được bán hoặc được sử dụng, chủ đầu tư phải có trách nhiệm cùng chính quyền tổ chức hội nghị chung cư. Qua đó lập ra ban quản lý chung cư với trách nhiệm được quy định rõ ràng, đề phòng việc lạm dụng quyền hạn, không thực hiện đúng trách nhiệm. Tổ chức đấu thầu để chọn đơn vị quản lý. Việc bàn giao từ đơn vị quản lý tiền kỳ sang đơn vị quản lý chính thức cũng được pháp luật quy định. Điều lệ quản lý và dự thảo phí quản lý phải đưa ra hội nghị chung cư. Phí phụ thuộc vào phương án quản lý, sử dụng dịch vụ, tần suất... mà cư dân chọn theo đa số.

Đánh giá về vấn đề này, ông Đỗ Xuân Anh, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng các quy định của Hà Nội đang đi đúng hướng, không khác biệt với những nguyên lý căn bản nhưng thực tế lại chưa đi vào cuộc sống. Phải chăng là do hệ thống pháp luật chưa đầy đủ, thiếu thống nhất và hiểu biết pháp luật. Nhiều chủ đầu tư nước ngoài đã áp dụng các điều khoản rất chặt chẽ nhưng vẫn bất ổn vì ứng xử của người dân trong quá trình sử dụng.

Khi bàn giao nhà xong, người dân sửa chữa tùm lum, quản lý không xuể, xử lý không dễ dàng. Do đó cần phải thay đổi cách ứng xử trong chung cư và cần có thời kỳ quá độ chuyển giao để hoàn chỉnh cơ sở pháp lý một cách đồng bộ. Các quận, huyện chưa dám phê duyệt chính thức cho các ban quản trị vì còn thiếu những căn cứ cần thiết. Lúc thị trường trầm lắng là cơ hội để "trầm lại", đưa ra giải pháp, cơ sở pháp lý...
Bày tỏ sự băn khoăn về tính pháp lý của ban quản trị, ông Cao Tiến Đạt, Giám đốc Công ty Xây dựng số 5 (chủ đầu tư tòa nhà 101 Láng Hạ) cho rằng ban quản trị cần phải có đủ phẩm chất, xây dựng được kế hoạch quản lý, sửa chữa cả “vòng đời” của tòa nhà. Tư cách pháp nhân của ban quản trị phải làm cho rõ. Hiện nay, khi xảy ra những vấn đề phức tạp chủ đầu tư vẫn phải “gánh” trong khi ban quản trị chỉ lo phân định sở hữu chung riêng, lo mặc cả phí sao cho rẻ.

Cũng từ thực tế triển khai quản lý thí điểm nhà chung cư tại khu Trung Hòa-Nhân Chính, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội Nguyễn Đức Sơn kiến nghị phải tính đến bài toán quy hoạch, thiết kế nhà chung cư vì bức xúc nhiều nhất của người dân là thiếu hạ tầng xã hội. Trước mắt phải giải quyết chỗ đỗ xe, đảm bảo sinh hoạt xã hội của cư dân, đặc biệt là nhà cộng đồng.

Tầng một phải dành để phục vụ cư dân trong chính tòa nhà và lợi nhuận thu được từ cho thuê để bù đắp chi phí. Còn hạ tầng kỹ thuật gồm cả vườn hoa, cây xanh, cấp thoát nước, chiếu sáng... người dân đề nghị bàn giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành, ban quản trị chỉ quản lý bên trong tòa nhà. Cũng theo ông Sơn, phải có quỹ bảo trì (2%) đối với tất cả các loại nhà dù kinh doanh, tái định cư hay nhà ở xã hội.

Về mối quan hệ với chính quyền địa phương, ông Sơn cho biết trên thực tế, phường, quận không phối hợp với cơ quản lý nhà trong công tác quản lý chung cư như ngăn chặn việc cơi nới, xây chuồng cọp,... Chỉ đến khi sai phạm quá lớn, thành phố có ý kiến thì phường, quận mới tham gia. Không chỉ chung cư thương mại, ngay cả những chung cư trong chương trình phát triển nhà ở xã hội cũng đã phát sinh những vấn đề rất phức tạp.

Ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Phát triển nhà ở thuộc Sở Xây dựng cho biết qua những vụ việc mua-bán, chuyển nhượng nhà ở xã hội tại Ngô Thì Nhậm và khu đô thị mới Việt Hưng cho thấy có “lỗ hổng” trong quản lý. Các thông tư, quy định của Bộ Xây dựng mới đề cập đến điều kiện mua, thuê nhà nhưng sau đó trách nhiệm của ai thì chưa rõ. Ai sẽ là người quản suốt 10 năm trời để đảm bảo nhà ở xã hội được sử dụng đúng mục đích. Trình tự, thủ tục xử lý, cưỡng chế thu hồi với các trường hợp bán, cho ở nhờ, cho thuê nhà ở xã hội ra sao (?).

Từ thực trạng quản lý nhà chung cư tại Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản thuộc Bộ Xây dựng cho rằng để giải quyết mẫu thuẫn trong các chung cư, quan trọng là phải công khai để dân biết mọi khoản thu, chi; phải thỏa thuận ngay từ đầu về diện tích chung, riêng. Vì còn nhiều chủ đầu tư thiếu minh bạch nên dù chủ đầu tư có phải bù lỗ cho việc quản lý, vận hành, người dân vẫn không tin.

Thừa nhận, một số quy định liên quan đến quản lý chung cư còn bất cập, ông Hà cho biết, trong năm 2013, quy định liên quan đến nhà chung cư sẽ được xem xét, sửa đổi khi Bộ Xây dựng nghiên cứu điều chỉnh một số quy định của Luật Nhà ở. Dự kiến, quỹ bảo trì sẽ không giao cho ban quản trị quản lý mà chính quyền địa phương sẽ phụ trách vì giá trị của quỹ này rất lớn.

Theo TTXVN
(Ngày 03/11/2012)