Dễ hớ với lãi suất thả nổi

Khách hàng cần đọc kỹ hợp đồng tín dụng, các điều khoản liên quan đến lãi suất những năm tiếp theo, phí phạt trả nợ trước hạn... để tránh bị thiệt khi lãi suất thả nổi theo thị trường

Nhiều ngân hàng (NH) thương mại tung ra các gói tín dụng ưu đãi, lãi suất chỉ 6%-7%/năm trong 3-6 tháng đầu; còn những năm tiếp theo, lãi suất lại là ẩn số.

Mập mờ cách tính lãi suất

Sau khi Báo Người Lao Động đăng bài “È cổ trả lãi NH”, nhiều người đang vay tiền mua nhà cho biết thường chỉ để ý số tiền gốc và lãi phải trả mỗi tháng, ít khi quan tâm đến lãi suất mình đang phải trả là bao nhiêu và NH điều chỉnh có đúng hợp đồng tín dụng đã ký hay không.

Nhiều ngân hàng tung ra các gói tín dụng lãi suất chỉ 6%-7%/năm
trong 3-6 tháng đầu; còn những năm tiếp theo, lãi suất lại là ẩn số
Ảnh: TẤN THẠNH
Anh Trần Văn Độ (ngụ đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9, TP HCM) cho biết cuối năm 2013, anh vay hơn 400 triệu đồng của một NH TMCP với lãi suất cố định trong năm đầu tiên 9,9%/năm. Hai năm tiếp theo, lãi vay được tính bằng lãi suất huy động kỳ hạn 24 tháng + biên độ 3%, các năm tiếp theo lãi vay được tính bằng lãi suất huy động kỳ hạn 24 tháng + biên độ 5%.

“Do đang cần vay tiền gấp nên NH đưa bản hợp đồng là tôi ký ngay, thay vì có bản nháp để nghiên cứu trước các điều khoản. Lúc ký xong, tham khảo lãi suất ở một vài NH khác, tôi mới nhận ra mức 9,9%/năm trong năm đầu không hề thấp, những năm tiếp theo tính lãi suất huy động + biên độ 5% cũng là khá cao” - anh Độ nhận xét. Ngoài ra, đến giờ anh Độ mới để ý phí phạt trả nợ trước hạn trong hợp đồng quá cao khiến anh không dám tất toán sớm vì sợ bị phạt.

Theo anh Dương Hồng Anh (ngụ chung cư Ehome 2, quận 9), khoản tiền anh vay mua nhà từ năm 2010 của một NH cổ phần có hội sở tại Hà Nội đến nay vẫn còn dư nợ 120 triệu đồng và đang phải chịu lãi suất 14,4%/năm. Trong hợp đồng tín dụng, NH ghi rõ mỗi quý điều chỉnh lãi suất 1 lần nhưng đã 4-5 tháng nay, anh vẫn phải trả lãi ở mức 14,4%/năm.

“Thời điểm vay tiền, hợp đồng tín dụng ghi mức lãi vay được tính bằng lãi suất huy động trung dài hạn + biên độ 7% nhưng tôi không để ý. Đến năm 2013, NH kêu tôi ký lại hợp đồng (sau khi có sổ hồng) và tự động thay đổi cách tính lãi vay bằng lãi suất huy động trên 12 tháng + 4% biên độ, mới biết lúc đầu mình bị áp lãi suất quá cao” - anh Hồng Anh phản ánh.

Phải rõ ràng về lãi suất, phí phạt

Chị Nguyễn Thị Liên (ngụ quận 12, TP HCM) cho biết tháng 10-2013 chị vay 330 triệu đồng tại một NH với lãi suất 12%/năm cố định trong 2 năm đầu. Thời điểm đó rất nhiều NH chào lãi suất ưu đãi trong 6 tháng đầu nhưng chị không quan tâm vì sợ lãi suất thấp lúc đầu nhưng sau đó tăng cao. Lãnh đạo một NH lý giải với mức cho vay 6%-7%/năm trong năm đầu, NH không thể có lãi vì huy động dài hạn hiện đã cao hơn 6%/năm, chưa kể dự trữ bắt buộc, chi phí hoạt động nên NH thường chịu lỗ năm đầu để thu hút khách hàng. Do đó, việc NH đưa ra phí phạt trả nợ trước hạn nhằm bù vào mức lãi suất ưu đãi này. Tuy nhiên, phí phạt chỉ nên tượng trưng và phải ghi rõ trong hợp đồng.

Phó Tổng giám đốc NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) Nguyễn Minh Tâm lưu ý hợp đồng tín dụng thường rất dài nhưng khách hàng chỉ cần chú ý một vài điểm quan trọng như phí phạt trả nợ trước hạn, cách tính lãi suất trong tương lai bằng cách quy về hiện tại xem có hợp lý hay không. Chẳng hạn, lãi suất trung dài hạn ở các NH hiện khoảng 7%-8%/năm, nếu cộng biên độ 3% là cho vay 10%-11%/năm là hợp lý. Trong hợp đồng, cần thể hiện cách tính lãi suất rõ ràng để khách hàng biết, không nên mập mờ theo kiểu “lãi suất thả nổi theo thị trường hoặc theo lãi suất tham chiếu của NH”.

Chuyên gia tài chính NH, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết ở Mỹ, ông dễ dàng vay được khoản tiền mua nhà trong 30 năm với lãi suất thấp và ổn định; trong khi Việt Nam, lãi suất điều chỉnh rất cao do thị trường vốn hạn chế. Việc một số NH đưa ra mức lãi suất rất thấp để chào mời khách hàng nhưng sau đó lại tăng cao khiến khách hàng trót “sa lầy” nên không rút ra được. “Khách hàng vay tiền mua nhà phải yêu cầu NH nói rõ cách tính lãi suất trong tương lai và phải đưa ra dự báo biến động lãi suất bởi khách hàng thường nắm dao đằng lưỡi” - TS Hiếu nhận xét.

Ông Trương Đình Long, Phó Tổng giám đốc NH TMCP Phương Đông (OCB), thừa nhận khách hàng rất do dự khi vay tiền mua nhà do một số NH áp dụng chính sách thả nổi lãi suất sau thời gian đầu khuyến mãi. Thậm chí, sau 1-2 năm, khách hàng cũng không biết lãi suất huy động lúc đó ra sao để tính toán lãi suất cho vay, có ổn định hay không. Hiện OCB đang nghiên cứu tung ra gói lãi suất cho vay cố định trong 3 năm đầu chỉ 9,9%/năm để giải quyết vấn đề này của khách hàng. Ba năm sau, lãi suất nếu biến động mạnh, NH sẽ thỏa thuận lại với khách hàng.
Cân đối thu nhập với khoản vay
TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính NH, khuyến cáo người mua nhà phải tính toán thật kỹ trước khi quyết định vay vốn NH. Trên thực tế, nhiều NH công bố lãi suất cho vay mua căn hộ 0%/năm trong 6-9 tháng đầu. Đây là hình thức khuyến mãi để hút khách hàng vay tiền, còn lãi suất những năm tiếp theo sẽ theo thị trường. Nếu không cân nhắc thận trọng khả năng tài chính của mình và dự báo được lãi suất vay những năm tiếp theo, người vay sẽ gặp nhiều rủi ro.

THÁI PHƯƠNG

Nguồn: Người Lao Động

È cổ trả lãi ngân hàng

Chỉ trong vòng 6 năm vay tiền ngân hàng để mua nhà, nhiều khách hàng đã phát hoảng khi tổng tiền lãi phải trả xấp xỉ tiền gốc và gần bằng giá trị căn nhà

Chị Nguyễn Song Ái - ngụ quận Gò Vấp, TP HCM - cho biết sau 6 năm gồng gánh khoản lãi suất vay ngân hàng (NH) để mua căn hộ chung cư, chị phải quyết định tất toán khoản nợ còn lại bằng cách bán căn hộ này.

Tiền lãi nhiều hơn tiền gốc

Năm 2008, chị Ái vay 600 triệu đồng từ NH TMCP Việt Á để mua căn hộ chung cư trên đường Dương Đình Hội (quận 9) với lãi suất ban đầu 16%/năm. Sau đó, lãi suất tăng dần qua các năm và đỉnh điểm chị phải trả 23%/năm. Đến thời kỳ lạm phát được kiểm soát, mặt bằng lãi suất hạ dần nhưng NH không giảm cho khách hàng vay cũ. Khoản vay 600 triệu đồng của chị Ái tiếp tục bị áp lãi suất 19%/năm.

Thời điểm năm 2010 khi lãi suất lên trên 20%/năm, tiền lãi tăng từng ngày. Làm bạc mặt chỉ để trả lãi NH” - chị Ái nhớ lại. Đến năm 2011, không chịu nổi lãi suất cao và được một NH khác đồng ý mua lại khoản nợ này, áp dụng lãi suất 16,5%/năm nên chị Ái quyết định tất toán rồi chuyển nợ sang NH mới. Thế nhưng suốt một năm đầu, lãi suất chỉ giảm được 0,5%/năm nên gia đình chị tiếp tục “è cổ” ra đóng lãi.

Từ đầu năm 2014, lãi suất huy động giảm mạnh và mỗi lần giảm, chị lại yêu cầu NH điều chỉnh nên lãi suất giảm còn 12,5%/năm. Đến tháng 9, lãi suất khoản vay của chị Ái còn 12%/năm trước khi chị tất toán.

Quá mệt mỏi, tôi quyết định bán căn hộ, đi thuê nhà ở cho khỏe. Qua 6 năm, giá mua căn nhà lúc đầu 880 triệu đồng, sau khi vay NH tính cả gốc và lãi lên trên 1,4 tỉ đồng. Cách đây một tháng, tôi bán căn hộ chỉ được 870 triệu đồng. Tính ra tiền lãi trả trong 6 năm trên 500 triệu đồng” - chị Ái bộc bạch.

Nhiều người vay tiền ngân hàng để mua căn hộ chung cư
đến nay vẫn phải chịu lãi suất rất cao, từ 13%-15%/năm
Nhiều khách hàng khác cũng rơi vào tình trạng tương tự do không dự báo được mức lãi tăng quá cao. Chị Lê Thị Bích Phượng (ngụ quận Bình Thạnh) cho biết năm 2010, chị vay 800 triệu đồng từ NH TMCP Quốc tế (VIB) để mua nhà, lãi suất ban đầu là 13%/năm. Sau đó, lãi suất liên tục tăng theo lạm phát và đỉnh điểm khoản vay của chị Phượng phải gánh lãi suất 25%/năm.

Có tháng, cả gốc và lãi gia đình tôi phải trả tới 21-22 triệu đồng, hoa cả mắt. Giờ nhớ lại vẫn thấy sợ” - chị Phượng nói. Sau nhiều lần điện thoại đến NH thắc mắc, hiện khoản vay của chị Phượng vẫn chịu mức lãi suất 13%/năm. Tính ra, trung bình mỗi tháng, chị Phượng phải trả 17-18 triệu đồng cả tiền gốc và lãi, trong đó tiền gốc chỉ hơn 6,6 triệu đồng/tháng.

Khách hàng bị “o ép”

Theo ghi nhận của phóng viên, rất nhiều khách hàng đang phải trả lãi NH cho các khoản vay mua nhà từ 2-3 năm trước với mức trung bình 13%-15%/năm, thậm chí có người phải trả lãi vay đến 17%/năm.

Chị Vũ Thị Ngọc Hà (ngụ đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9) cho biết năm 2010, chị vay 500 triệu đồng của NH Việt Á, trả theo tiến độ để mua căn hộ chung cư ở quận 9. Lãi suất ban đầu thấp nhưng có thời điểm lên tới 25%/năm. Đến khi lãi suất giảm dần, NH nhất quyết không điều chỉnh giảm cho khoản vay cũ.

NH chỉ nói chưa đến kỳ điều chỉnh hoặc chưa có chương trình và nại đủ lý do để không giảm hoặc giảm rất ít. Tháng 9 vừa rồi, một NH khác có chào lãi suất 10%/năm trong năm đầu và đảo nợ cho khoản vay 300 triệu đồng còn lại nên tôi chấp nhận đóng phí phạt, chuyển nợ sang NH này. Đáng nói, đến lúc tất toán tại NH Việt Á, lãi suất vẫn là 17%/năm” - chị Hà bức xúc.

Lý giải về sự “o ép” này, phó tổng giám đốc một NH thương mại ở TP HCM cho biết lãi suất vay cũ của khách hàng được lấy từ nguồn huy động cũ của NH nên không thể so sánh với lãi suất thấp của các khoản vay mới. Chẳng hạn, 6 tháng trước, NH huy động tiền gửi với lãi suất 10%/năm, cho vay ra 12%-14%/năm, trong khi hiện tại lãi suất tiền gửi chỉ còn 5%/năm nên rất khó so sánh.

Lãi suất vay của khách hàng cũ sẽ giảm dần theo xu thế hiện nay nhưng phụ thuộc vào hợp đồng tín dụng đã ký và thường điều chỉnh 3-6 tháng/lần. Riêng đảo nợ thì bản thân NH không thể đảo nợ cho chính khách hàng của mình, khách hàng chỉ có thể tất toán khoản vay cũ, rồi vay mới để có lãi suất thấp hơn” - vị này nói.

Một lãnh đạo ngân hàng thương mại cổ phần cho rằng cho vay mua nhà, NH phải huy động nguồn vốn trung dài hạn nên không thể tùy tiện hạ lãi suất hoặc cho phép đảo nợ sẽ làm “vỡ kế hoạch” của NH. Người vay có thể thắc mắc sao chưa được hạ lãi suất nhưng do NH nhận định dựa vào độ rủi ro của mình, với những người vay được đánh giá tốt, NH đã chủ động điều chỉnh.

Không phải cao mà… rất cao

Nhận xét về lãi suất các khoản vay cũ, chuyên gia tài chính - TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng các mức lãi suất này không phải cao mà là rất cao! Tuy nhiên, khi khách hàng yêu cầu giảm lãi suất cho vay theo đà của lãi suất huy động, NH thường viện vô vàn lý do để chậm điều chỉnh mà phổ biến nhất là chưa tới kỳ điều chỉnh trong hợp đồng tín dụng. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, NH thường “cột” khách hàng vào hợp đồng tín dụng có giá trị trong suốt thời gian vay khiến khách hàng không thể phản đối.

Gần đây, một số NH sẵn sàng cho vay đảo nợ đối với những khách hàng đang có khoản vay cũ ở một NH khác với lãi suất thấp hơn. Đây không phải là hình thức mới nhưng trong quá khứ, đảo nợ thường được một số NH áp dụng để xử lý nợ xấu nên bị lạm dụng. Do đó, hiện tại khách hàng muốn đảo nợ không phải dễ, phải có quá trình trả nợ tốt và không vướng nợ quá hạn” - TS Hiếu phân tích.

148.000 tỉ đồng vốn vay đang gánh lãi suất 15%/năm
NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM cho biết khoản vay có lãi suất trên 12%/năm hiện chiếm khoảng 20% tổng dư nợ. Tính đến cuối tháng 10, tổng dư nợ trên địa bàn TP HCM đạt hơn 1,01 triệu tỉ đồng, tính ra có hơn 200.000 tỉ đồng đang phải chịu lãi suất trên 12%/năm.
Trong khi đó theo NH Nhà nước, trên địa bàn cả nước tính đến đầu tháng 10-2014 vẫn còn khoảng 4,12% tổng dư nợ đang phải gánh lãi suất trên 15%/năm. Tổng dư nợ của nền kinh tế đến tháng 7-2014 khoảng 3,3 triệu tỉ đồng, tính ra số vốn vay đang gánh lãi suất trên 15%/năm là 148.000 tỉ đồng.

Bài và ảnh: THÁI PHƯƠNG

Nguồn: Người Lao Động