Dễ hớ với lãi suất thả nổi

Khách hàng cần đọc kỹ hợp đồng tín dụng, các điều khoản liên quan đến lãi suất những năm tiếp theo, phí phạt trả nợ trước hạn... để tránh bị thiệt khi lãi suất thả nổi theo thị trường

Nhiều ngân hàng (NH) thương mại tung ra các gói tín dụng ưu đãi, lãi suất chỉ 6%-7%/năm trong 3-6 tháng đầu; còn những năm tiếp theo, lãi suất lại là ẩn số.

Mập mờ cách tính lãi suất

Sau khi Báo Người Lao Động đăng bài “È cổ trả lãi NH”, nhiều người đang vay tiền mua nhà cho biết thường chỉ để ý số tiền gốc và lãi phải trả mỗi tháng, ít khi quan tâm đến lãi suất mình đang phải trả là bao nhiêu và NH điều chỉnh có đúng hợp đồng tín dụng đã ký hay không.

Nhiều ngân hàng tung ra các gói tín dụng lãi suất chỉ 6%-7%/năm
trong 3-6 tháng đầu; còn những năm tiếp theo, lãi suất lại là ẩn số
Ảnh: TẤN THẠNH
Anh Trần Văn Độ (ngụ đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9, TP HCM) cho biết cuối năm 2013, anh vay hơn 400 triệu đồng của một NH TMCP với lãi suất cố định trong năm đầu tiên 9,9%/năm. Hai năm tiếp theo, lãi vay được tính bằng lãi suất huy động kỳ hạn 24 tháng + biên độ 3%, các năm tiếp theo lãi vay được tính bằng lãi suất huy động kỳ hạn 24 tháng + biên độ 5%.

“Do đang cần vay tiền gấp nên NH đưa bản hợp đồng là tôi ký ngay, thay vì có bản nháp để nghiên cứu trước các điều khoản. Lúc ký xong, tham khảo lãi suất ở một vài NH khác, tôi mới nhận ra mức 9,9%/năm trong năm đầu không hề thấp, những năm tiếp theo tính lãi suất huy động + biên độ 5% cũng là khá cao” - anh Độ nhận xét. Ngoài ra, đến giờ anh Độ mới để ý phí phạt trả nợ trước hạn trong hợp đồng quá cao khiến anh không dám tất toán sớm vì sợ bị phạt.

Theo anh Dương Hồng Anh (ngụ chung cư Ehome 2, quận 9), khoản tiền anh vay mua nhà từ năm 2010 của một NH cổ phần có hội sở tại Hà Nội đến nay vẫn còn dư nợ 120 triệu đồng và đang phải chịu lãi suất 14,4%/năm. Trong hợp đồng tín dụng, NH ghi rõ mỗi quý điều chỉnh lãi suất 1 lần nhưng đã 4-5 tháng nay, anh vẫn phải trả lãi ở mức 14,4%/năm.

“Thời điểm vay tiền, hợp đồng tín dụng ghi mức lãi vay được tính bằng lãi suất huy động trung dài hạn + biên độ 7% nhưng tôi không để ý. Đến năm 2013, NH kêu tôi ký lại hợp đồng (sau khi có sổ hồng) và tự động thay đổi cách tính lãi vay bằng lãi suất huy động trên 12 tháng + 4% biên độ, mới biết lúc đầu mình bị áp lãi suất quá cao” - anh Hồng Anh phản ánh.

Phải rõ ràng về lãi suất, phí phạt

Chị Nguyễn Thị Liên (ngụ quận 12, TP HCM) cho biết tháng 10-2013 chị vay 330 triệu đồng tại một NH với lãi suất 12%/năm cố định trong 2 năm đầu. Thời điểm đó rất nhiều NH chào lãi suất ưu đãi trong 6 tháng đầu nhưng chị không quan tâm vì sợ lãi suất thấp lúc đầu nhưng sau đó tăng cao. Lãnh đạo một NH lý giải với mức cho vay 6%-7%/năm trong năm đầu, NH không thể có lãi vì huy động dài hạn hiện đã cao hơn 6%/năm, chưa kể dự trữ bắt buộc, chi phí hoạt động nên NH thường chịu lỗ năm đầu để thu hút khách hàng. Do đó, việc NH đưa ra phí phạt trả nợ trước hạn nhằm bù vào mức lãi suất ưu đãi này. Tuy nhiên, phí phạt chỉ nên tượng trưng và phải ghi rõ trong hợp đồng.

Phó Tổng giám đốc NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) Nguyễn Minh Tâm lưu ý hợp đồng tín dụng thường rất dài nhưng khách hàng chỉ cần chú ý một vài điểm quan trọng như phí phạt trả nợ trước hạn, cách tính lãi suất trong tương lai bằng cách quy về hiện tại xem có hợp lý hay không. Chẳng hạn, lãi suất trung dài hạn ở các NH hiện khoảng 7%-8%/năm, nếu cộng biên độ 3% là cho vay 10%-11%/năm là hợp lý. Trong hợp đồng, cần thể hiện cách tính lãi suất rõ ràng để khách hàng biết, không nên mập mờ theo kiểu “lãi suất thả nổi theo thị trường hoặc theo lãi suất tham chiếu của NH”.

Chuyên gia tài chính NH, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết ở Mỹ, ông dễ dàng vay được khoản tiền mua nhà trong 30 năm với lãi suất thấp và ổn định; trong khi Việt Nam, lãi suất điều chỉnh rất cao do thị trường vốn hạn chế. Việc một số NH đưa ra mức lãi suất rất thấp để chào mời khách hàng nhưng sau đó lại tăng cao khiến khách hàng trót “sa lầy” nên không rút ra được. “Khách hàng vay tiền mua nhà phải yêu cầu NH nói rõ cách tính lãi suất trong tương lai và phải đưa ra dự báo biến động lãi suất bởi khách hàng thường nắm dao đằng lưỡi” - TS Hiếu nhận xét.

Ông Trương Đình Long, Phó Tổng giám đốc NH TMCP Phương Đông (OCB), thừa nhận khách hàng rất do dự khi vay tiền mua nhà do một số NH áp dụng chính sách thả nổi lãi suất sau thời gian đầu khuyến mãi. Thậm chí, sau 1-2 năm, khách hàng cũng không biết lãi suất huy động lúc đó ra sao để tính toán lãi suất cho vay, có ổn định hay không. Hiện OCB đang nghiên cứu tung ra gói lãi suất cho vay cố định trong 3 năm đầu chỉ 9,9%/năm để giải quyết vấn đề này của khách hàng. Ba năm sau, lãi suất nếu biến động mạnh, NH sẽ thỏa thuận lại với khách hàng.
Cân đối thu nhập với khoản vay
TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính NH, khuyến cáo người mua nhà phải tính toán thật kỹ trước khi quyết định vay vốn NH. Trên thực tế, nhiều NH công bố lãi suất cho vay mua căn hộ 0%/năm trong 6-9 tháng đầu. Đây là hình thức khuyến mãi để hút khách hàng vay tiền, còn lãi suất những năm tiếp theo sẽ theo thị trường. Nếu không cân nhắc thận trọng khả năng tài chính của mình và dự báo được lãi suất vay những năm tiếp theo, người vay sẽ gặp nhiều rủi ro.

THÁI PHƯƠNG

Nguồn: Người Lao Động

È cổ trả lãi ngân hàng

Chỉ trong vòng 6 năm vay tiền ngân hàng để mua nhà, nhiều khách hàng đã phát hoảng khi tổng tiền lãi phải trả xấp xỉ tiền gốc và gần bằng giá trị căn nhà

Chị Nguyễn Song Ái - ngụ quận Gò Vấp, TP HCM - cho biết sau 6 năm gồng gánh khoản lãi suất vay ngân hàng (NH) để mua căn hộ chung cư, chị phải quyết định tất toán khoản nợ còn lại bằng cách bán căn hộ này.

Tiền lãi nhiều hơn tiền gốc

Năm 2008, chị Ái vay 600 triệu đồng từ NH TMCP Việt Á để mua căn hộ chung cư trên đường Dương Đình Hội (quận 9) với lãi suất ban đầu 16%/năm. Sau đó, lãi suất tăng dần qua các năm và đỉnh điểm chị phải trả 23%/năm. Đến thời kỳ lạm phát được kiểm soát, mặt bằng lãi suất hạ dần nhưng NH không giảm cho khách hàng vay cũ. Khoản vay 600 triệu đồng của chị Ái tiếp tục bị áp lãi suất 19%/năm.

Thời điểm năm 2010 khi lãi suất lên trên 20%/năm, tiền lãi tăng từng ngày. Làm bạc mặt chỉ để trả lãi NH” - chị Ái nhớ lại. Đến năm 2011, không chịu nổi lãi suất cao và được một NH khác đồng ý mua lại khoản nợ này, áp dụng lãi suất 16,5%/năm nên chị Ái quyết định tất toán rồi chuyển nợ sang NH mới. Thế nhưng suốt một năm đầu, lãi suất chỉ giảm được 0,5%/năm nên gia đình chị tiếp tục “è cổ” ra đóng lãi.

Từ đầu năm 2014, lãi suất huy động giảm mạnh và mỗi lần giảm, chị lại yêu cầu NH điều chỉnh nên lãi suất giảm còn 12,5%/năm. Đến tháng 9, lãi suất khoản vay của chị Ái còn 12%/năm trước khi chị tất toán.

Quá mệt mỏi, tôi quyết định bán căn hộ, đi thuê nhà ở cho khỏe. Qua 6 năm, giá mua căn nhà lúc đầu 880 triệu đồng, sau khi vay NH tính cả gốc và lãi lên trên 1,4 tỉ đồng. Cách đây một tháng, tôi bán căn hộ chỉ được 870 triệu đồng. Tính ra tiền lãi trả trong 6 năm trên 500 triệu đồng” - chị Ái bộc bạch.

Nhiều người vay tiền ngân hàng để mua căn hộ chung cư
đến nay vẫn phải chịu lãi suất rất cao, từ 13%-15%/năm
Nhiều khách hàng khác cũng rơi vào tình trạng tương tự do không dự báo được mức lãi tăng quá cao. Chị Lê Thị Bích Phượng (ngụ quận Bình Thạnh) cho biết năm 2010, chị vay 800 triệu đồng từ NH TMCP Quốc tế (VIB) để mua nhà, lãi suất ban đầu là 13%/năm. Sau đó, lãi suất liên tục tăng theo lạm phát và đỉnh điểm khoản vay của chị Phượng phải gánh lãi suất 25%/năm.

Có tháng, cả gốc và lãi gia đình tôi phải trả tới 21-22 triệu đồng, hoa cả mắt. Giờ nhớ lại vẫn thấy sợ” - chị Phượng nói. Sau nhiều lần điện thoại đến NH thắc mắc, hiện khoản vay của chị Phượng vẫn chịu mức lãi suất 13%/năm. Tính ra, trung bình mỗi tháng, chị Phượng phải trả 17-18 triệu đồng cả tiền gốc và lãi, trong đó tiền gốc chỉ hơn 6,6 triệu đồng/tháng.

Khách hàng bị “o ép”

Theo ghi nhận của phóng viên, rất nhiều khách hàng đang phải trả lãi NH cho các khoản vay mua nhà từ 2-3 năm trước với mức trung bình 13%-15%/năm, thậm chí có người phải trả lãi vay đến 17%/năm.

Chị Vũ Thị Ngọc Hà (ngụ đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9) cho biết năm 2010, chị vay 500 triệu đồng của NH Việt Á, trả theo tiến độ để mua căn hộ chung cư ở quận 9. Lãi suất ban đầu thấp nhưng có thời điểm lên tới 25%/năm. Đến khi lãi suất giảm dần, NH nhất quyết không điều chỉnh giảm cho khoản vay cũ.

NH chỉ nói chưa đến kỳ điều chỉnh hoặc chưa có chương trình và nại đủ lý do để không giảm hoặc giảm rất ít. Tháng 9 vừa rồi, một NH khác có chào lãi suất 10%/năm trong năm đầu và đảo nợ cho khoản vay 300 triệu đồng còn lại nên tôi chấp nhận đóng phí phạt, chuyển nợ sang NH này. Đáng nói, đến lúc tất toán tại NH Việt Á, lãi suất vẫn là 17%/năm” - chị Hà bức xúc.

Lý giải về sự “o ép” này, phó tổng giám đốc một NH thương mại ở TP HCM cho biết lãi suất vay cũ của khách hàng được lấy từ nguồn huy động cũ của NH nên không thể so sánh với lãi suất thấp của các khoản vay mới. Chẳng hạn, 6 tháng trước, NH huy động tiền gửi với lãi suất 10%/năm, cho vay ra 12%-14%/năm, trong khi hiện tại lãi suất tiền gửi chỉ còn 5%/năm nên rất khó so sánh.

Lãi suất vay của khách hàng cũ sẽ giảm dần theo xu thế hiện nay nhưng phụ thuộc vào hợp đồng tín dụng đã ký và thường điều chỉnh 3-6 tháng/lần. Riêng đảo nợ thì bản thân NH không thể đảo nợ cho chính khách hàng của mình, khách hàng chỉ có thể tất toán khoản vay cũ, rồi vay mới để có lãi suất thấp hơn” - vị này nói.

Một lãnh đạo ngân hàng thương mại cổ phần cho rằng cho vay mua nhà, NH phải huy động nguồn vốn trung dài hạn nên không thể tùy tiện hạ lãi suất hoặc cho phép đảo nợ sẽ làm “vỡ kế hoạch” của NH. Người vay có thể thắc mắc sao chưa được hạ lãi suất nhưng do NH nhận định dựa vào độ rủi ro của mình, với những người vay được đánh giá tốt, NH đã chủ động điều chỉnh.

Không phải cao mà… rất cao

Nhận xét về lãi suất các khoản vay cũ, chuyên gia tài chính - TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng các mức lãi suất này không phải cao mà là rất cao! Tuy nhiên, khi khách hàng yêu cầu giảm lãi suất cho vay theo đà của lãi suất huy động, NH thường viện vô vàn lý do để chậm điều chỉnh mà phổ biến nhất là chưa tới kỳ điều chỉnh trong hợp đồng tín dụng. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, NH thường “cột” khách hàng vào hợp đồng tín dụng có giá trị trong suốt thời gian vay khiến khách hàng không thể phản đối.

Gần đây, một số NH sẵn sàng cho vay đảo nợ đối với những khách hàng đang có khoản vay cũ ở một NH khác với lãi suất thấp hơn. Đây không phải là hình thức mới nhưng trong quá khứ, đảo nợ thường được một số NH áp dụng để xử lý nợ xấu nên bị lạm dụng. Do đó, hiện tại khách hàng muốn đảo nợ không phải dễ, phải có quá trình trả nợ tốt và không vướng nợ quá hạn” - TS Hiếu phân tích.

148.000 tỉ đồng vốn vay đang gánh lãi suất 15%/năm
NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM cho biết khoản vay có lãi suất trên 12%/năm hiện chiếm khoảng 20% tổng dư nợ. Tính đến cuối tháng 10, tổng dư nợ trên địa bàn TP HCM đạt hơn 1,01 triệu tỉ đồng, tính ra có hơn 200.000 tỉ đồng đang phải chịu lãi suất trên 12%/năm.
Trong khi đó theo NH Nhà nước, trên địa bàn cả nước tính đến đầu tháng 10-2014 vẫn còn khoảng 4,12% tổng dư nợ đang phải gánh lãi suất trên 15%/năm. Tổng dư nợ của nền kinh tế đến tháng 7-2014 khoảng 3,3 triệu tỉ đồng, tính ra số vốn vay đang gánh lãi suất trên 15%/năm là 148.000 tỉ đồng.

Bài và ảnh: THÁI PHƯƠNG

Nguồn: Người Lao Động 

Bé trai 4 tuổi khỏe mạnh sau cú rơi từ lầu 10 chung cư Nguyễn Biểu

Bốn ngày sau khi rơi từ lan can căn hộ ở lầu 10 xuống đất, bé Đặng Gia Nam ở quận 5, TP HCM, vẫn chạy nhảy đùa nghịch như chưa hề bị nạn.

Sáng 29/10, chỉ sau một ngày xuất viện, Nam trông khỏe mạnh như bao trẻ khác trong căn hộ số 10 chung cư Nguyễn Biểu. Sau buổi ăn sáng cùng người lớn, cậu bé hết chạy ra ngoài hành lang lại vào phòng đòi bà mở tivi xem. Theo gia đình, Nam ngủ ngon, ăn khỏe và hiếu động như lúc chưa xảy ra tai nạn.
Bé Nam bình phục nhanh sau cú rơi từ lầu 10. Ảnh: Thiên Chương

"Chúng tôi không thể tin nó có thể bình phục nhanh như vậy sau cú ngã", bà Bùi Thị Thoa, cho biết.

Nói về sự may mắn khó tin xảy ra với gia đình mình, bà Thoa - người ở cùng bé Nam khi xảy ra tai nạn cho biết - khoảng 11h ngày 25/10, cha mẹ Nam đi làm còn bà nấu ăn ở khu bếp căn hộ số l0 lầu 10 lô A, chung cư 109 Nguyễn Biểu (quận 5) và quên để ý đến Nam. Đến khi nhớ ra bà đi tìm thì không thấy cậu bé.

"Tôi hớt hải tìm cháu ở cầu thang chung cư nhưng không thấy. Ngay sau đó có người ở tầng dưới la lên là bé bị rơi xuống đất. Lúc này tôi mới để ý khu vực phía sau căn hộ có chiếc ghế nhựa để gần lan can. Có lẽ thằng bé dùng nó để leo lên", bà Thoa nói.

Chị Hoa, sống ở lầu 3 chung cư cho biết, đang làm việc nhà thì chị nghe tiếng động như ai đó vứt bao rác từ trên cao xuống. "Tôi lầm bầm không hiểu ai ăn ở vô ý thức như vậy thì nghe có tiếng người lao xao bên dưới. Nhìn xuống đất, tôi thấy nhiều người vây quanh bé Nam", chị Hoa kể.

Lô A chung cư 109 Nguyễn Biểu
nơi bé Nam bị rơi là lô căn hộ có 15 tầng.
Ảnh: Thiên Chương
Một nhân chứng khác cho hay bé trai rơi xuống khi ông có mặt gần đấy. "Tôi nghe một tiếng huỵch rất to. Quay lại, tôi thấy bé Nam nằm trên mảnh đất trồng rau của một hộ ở tầng trệt. Ban đầu bé nằm bất động theo tư thế nghiêng. Vài phút sau nó rên khóc và có vẻ tỉnh táo dù người lấm lem bùn đất. Lúc này mới thấy bà của bé hớt hải chạy đến", ông này nói.

"Tôi cứ nghĩ nó mê sảng, lên xe taxi chuyển đến bệnh viện nó vẫn luôn miệng kêu đau. Không chỉ mình tôi mà những người chứng kiến không ai nghĩ thằng bé có thể sống bởi tính từ lầu 10 xuống đất phải 30 mét", bà của bé nói.

Bệnh viện Chợ Rẫy ghi nhận bé Nam nhập viện "do té từ lầu cao". Tuy nhiên, kết quả chẩn đoán khiến cả bác sĩ và gia đình kinh ngạc bởi ngoài vết bầm ở mặt, bệnh nhi không bị xuất huyết nội tạng, không bị tổn thương nội tạng, sọ não cũng không bị tổn thương và khung xương hoàn toàn lành lặn.

Ngày 28/10, sau gần 3 ngày nằm viện, do không có biểu hiện bất thường, bé Nam được các bác sĩ cho xuất viện. "Thật khó tin một đứa trẻ rơi từ lầu 10 lại không bị một tổn thương nghiêm trọng nào. Có lẽ bé may mắn khi rơi xuống trong tư thế nghiêng và rơi vào đúng mảnh đất mềm xốp của vườn rau", một bác sĩ khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy nói.

Thành lan can của căn hộ nơi bé trai bị ngã có chiều cao qua vai người trưởng thành. "Độ cao hoàn toàn có thể khiến người lớn an tâm nếu bé trai không quá hiếu động, bắc ghế leo lên thành lan can", một cư dân chung cư Nguyễn Biểu nói.

Thiên Chương

Nguồn: VNExpress.net (29/10/2014)

Bất an ở chung cư Era Town

Vào lúc 10h sáng ngày 9/10, tại chung cư Kỷ Nguyên Era Town đã xảy ra vụ xô xát giữa trưởng ban quản lý chung cư và người thuê căn hộ. Theo đánh giá của cư dân, đây là giọt nước làm tràn ly bởi trước đó nhiều bức xúc của người dân không được giải quyết thỏa đáng.

Mất trộm không được đền bù

Chung cư Kỷ Nguyên trên đường 15B (P. Phú Mỹ Q. 7 TPHCM) có diện tích 10,8ha gồm 9 block nhà với 3.036 căn hộ. Chung cư Kỷ Nguyên do công ty cổ phần Đức Khải làm chủ đầu tư có tổng vốn đầu tư gần 4.765 tỷ đồng.

Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, hiện nay đã có hơn 50% căn hộ có cư dân sinh sống. Thế nhưng, những người dân sống nơi đây luôn gặp những điều phiền toái mà nhiều lần phản ánh lên ban quản lý chung cư đều không được giải quyết rốt ráo.

Trường hợp xảy ra xô xát bắt nguồn từ vụ mất trộm trước đó. Bà Nguyễn Thị Kim Hoa, chủ siêu thị Hoa Đình cho biết, ngày 8/10, bà phát hiện kẻ gian cạy cửa lấy đi một máy tính tiền trong đó có 10 triệu đồng tiền mặt. Bà đã báo sự việc lên ban quản lý nhưng những người có trách nhiệm vẫn “bình chân như vại”.

 Chung cư Kỷ Nguyên (The Era Town)
Được biết, hàng tháng siêu thị của bà phải đóng 11.000đ/m2 phí quản lý nhưng chất lượng phục vụ của ban quản lý đối với cư dân trong chung cư tỏ ra rất tệ hại.

Theo bà Hoa: “Ngay khi xảy ra mất cắp, tôi đã báo ngay cho ban quản lý nhưng ông Nguyễn Thống Nhất, trưởng ban quản lý chối bỏ trách nhiệm và không có mặt tại hiện trường để giải quyết. Nhân viên ban quản lý đã ngăn cản tôi không cho gọi công an vì sợ nhiều người biết. Sự việc kéo dài đến hôm sau khi ông Nhất đến cho biết BQL chỉ có trách nhiệm bảo vệ chung không bảo vệ từng căn hộ và nhất định không chịu đền bù thiệt hại khi chúng tôi yêu cầu”.

Bà Hoa đã viết một tấm biển dán ngay trước siêu thị để cảnh báo mọi người: “Qua vụ mất cắp tại siêu thị, tôi muốn gởi lời cảnh giác đến cư dân rằng hôm nay nạn nhân là tôi nhưng vài ngày nữa sẽ không biết nhà ai bị cạy cửa. Chúng ta không thể nào tin tưởng BQL chung cư vỉ tiền thì họ nhận đủ nhưng khi xảy ra sự việc thì chối bỏ trách nhiệm”.

Bà Hoa cho biết thêm đây không phải lần đầu trộm cắp “tấn công” siêu thị. Trước đó đã từng có vụ trộm đột nhập giật đồ trong siêu thị và bỏ chạy.

Trước đó, ngày 7/9, anh Nguyễn Khánh Minh ngụ tại căn hộ 25.15 block A3 phát hiện mình bị mất hơn 10 triệu đồng, 1 đôi bông tai, 1 vỏ bông hột xoàn trong lúc cả nhà anh đi vắng. Sự việc được báo cho ban quản lý chung cư.

“Sau hơn 1 tháng, đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ ban quản lý. Căn hộ của tôi có diện tích 97m2, với mức phí quản lý 7 ngàn đồng/m2/tháng (đối với hộ dân- PV). Như vậy mỗi tháng tôi đóng gần 700 ngàn đồng. Tuy nhiên, khi tôi bị mất trộm, ban quản lý không hề đề cập đến chuyện bồi thường”. Anh Minh nói.


Siêu Thị Hoa Đình nơi xảy ra xô xát giữ trưởng ban quản lý và chủ siêu thị.
Nhiều cư dân rất lo lắng về tình hình an ninh tại đây. Nhiều người cho biết thỉnh thoảng gặp người lạ xuất hiện tại hành lang chung cư. Với quy mô hơn 3.000 căn hộ, mỗi block nhà 30 tầng nhưng không hề có camera quan sát. Trong trường hợp xảy ra mất trộm thì cũng khó điều tra.

“Chọn ở chung cư vì an ninh và có thể yên tâm khóa cửa đi làm. Nhưng, tình trạng trộm cắp, không camera, không ai chịu trách nhiệm đền bù như hiện nay khiến nhiều cư dân vô cùng hoang mang” – Cư dân bức xúc.

Nỗi ám ảnh thang máy và còi báo cháy

Bên cạnh yếu tố an ninh là tình trạng không an toàn. Thang máy kẹt, rơi đã trở thành nỗi ám ảnh của cư dân. Tùy theo thiết kế, mỗi block nhà được trang bị từ 4-6 thang máy. Trong đó, nhiều thang thường xuyên không hoạt động, kể cả giờ cao điểm. Thậm chí, những ngày mưa lớn, hệ thống thang máy của block A4 tê liệt hoàn toàn. Đến nay, Ban quản lý chung cư vẫn chưa đưa ra được câu trả lời thỏa đáng.

Tấm biển được bà Hoa
dán trước cửa siêu thị.
Đáng sợ nhất là chuyện thang máy rơi. Chị Diệu Văn ở block A5 cho biết có lần thang rơi ba tầng rồi dừng lại. Cửa kẹt cứng. Bấm chuông kêu cứu nhưng không hề nhận được sự hỗ trợ từ Ban quản lý dù thời điểm xảy ra sự việc mới khoảng 16 giờ. Gần 15 phút sau, cửa thang máy bất ngờ tự mở. Một cư dân khác cũng ở block A5 cho biết con gái chị, mới ba tuổi, sợ rúm người mỗi khi vào thang.

Công tác phòng cháy chữa cháy cũng khiến nhiều cư dân mất ăn mất ngủ. Nhiều cư dân cho biết nhân viên giữ xe ở tầng hầm hút thuốc lá ngay trong khu vực cấm hút thuốc.

Đáng lo nhất là thiết bị báo cháy tùy tiện hoạt động. Anh Lê Trung Kiên, một cư dân, viết trên diễn đàn: “Mình thấy ức chế rồi đó. 23 giờ 6 phút chuông báo cháy reo. Hỏi rằng có ai yên tâm mà sống không cơ chứ”.

Kim Li, một cư dân khác cùng chung tâm trạng: “Bây giờ là 23 giờ, chuông báo cháy ở B3 lại kêu ầm ĩ. Sau đó là sự im lặng mà không có bất cứ một thông báo nào từ Ban quản lý. Có cả hệ thống loa ở các hành lang mà Ban quản lý bị câm hay sao mà không thông báo nổi một câu? Có cháy hay không, xử lý rồi hay chưa cũng phải thông báo cho người ta biết chứ. Cứ cái kiểu này chắc loạn óc vì chuông báo cháy quá”.

Theo các cư dân, việc báo cháy giả gây cảnh dở cười dở mếu. Có cụ già phải bế cháu chạy thang bộ từ tầng 30 xuống đất ngày mấy lượt. Chạy đến đất cụ mới phát hiện chuông chỉ reo cho “vui”. Điều đáng sợ là sau một thời gian chạy thang bộ vì chuông báo giả thì giờ cư dân có nghe chuông reo ầm ĩ cũng không thèm chạy nữa.

Nói về chuyện này, một cư dân bày tỏ: “Mỗi lần chuông báo cháy vang lên, tôi mở cửa bước ra hành lang. Cả hành lang vắng lặng. Các hộ vẫn đóng cửa vì mọi người đã "quen" với cái kiểu báo động này. Nếu mà có cháy thật thì sao đây?”.

Ông Lê Hùng Cường, Trợ lý pháp lý giám đốc công ty cổ phần Đức Khải cho biết ông chưa hề nghe về tình trạng thang máy xảy ra sự cố. Tuy nhiên hiện thang máy còn trong thời gian bảo hành nên đơn vị bảo hành thang máy sẽ xử lý ngay.

Trường hợp hệ thống phòng cháy chữa cháy có vấn đề, ông Cường xác nhận có một số đầu báo cháy bị lỗi. Mỗi lần có báo cháy, nhân viên ban quản lý xác định vị trí và có mặt ngay tại chỗ. Cũng như thang máy, hệ thống PCCC cũng đang trong thời gian bảo hành và mọi xử lý đều do dơn vị bảo hành đảm trách.

Riêng với trường hợp trộm cắp, ông Cường cho biết công ty không hề nhận được báo cáo từ ban quản lý chung cư. Tuy nhiên qua tìm hiểu được biết sau khi xảy ra va chạm giữa ban quản lý và siêu thị Hoa Đình, BQL chung cư đã làm việc trực tiếp với bà Hoa và sau đó tấm biển dán trước siêu thị đã được gỡ xuống. Việc này thuộc thẩm quyền của ban quản lý chung cư và hộ dân.

Trao đổi với chúng tôi, ông Cường cho biết thêm ban quản lý dự án đang khẩn trương hoàn chỉnh các hạng mục còn dang dở. Sau khi hoàn tất sẽ bàn giao chung cư về cho ban quản lý. Bên cạnh đó, công ty đang chờ đợi giấy đồng ý đưa vào sử dụng của bộ Xây Dựng. Có đủ các yếu tố đó, chúng tôi sẽ tiến hành tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu ra ban quản lý chính thức điều hành mọi việc.

Môi trường sống ở chung cư The Era Town khá tốt. Khu công viên rộng rãi khoáng đãng, nhiều người đã chọn nơi đây làm tổ ấm lâu dài. Thế nhưng, theo nhiều cư dân, do cách điều hành của ban quản lý (hiện tại thuộc chủ đầu tư là công ty cổ phần Đức Khải) không chuyên nghiệp và thiếu trách nhiệm đã gây ra nhiều bức xúc cho cư dân. Bà con đang kiến nghị chủ đầu tư Đức Khải tổ chức hội nghị nhà chung cư và bầu quản trị theo luật định. Ban quản trị là đại diện của cư dân, do họ bầu ra, có quyền chọn thuê một đơn vị làm dịch vụ quản lý chung cư chuyên nghiệp và minh bạch.

Trần Chánh Nghĩa

Nguồn: Vietnamnet (14/10/2014)

THÔNG BÁO - XỬ LÝ DIỆT CHUỘT VÀ XỬ LÝ CÔN TRÙNG



BQL MY HOUSE Thông báo Kế hoạch diệt chuột và xử lý côn trùng tại Chung cư Ehome2 như sau:

1. Thời gian thực hiện: Từ 11h00 đến 15h00 ngày 13/10/2014
2. Xử lý: chuột, ruồi, muỗi, kiến (kiến ba khoang), gián.
3. Khu vực xử lý: Toàn bộ các khu vực công cộng như: sảnh, thang máy, hành lang từng tầng, thang bộ, hộp gen kỹ thuật, phòng rác, nhà xe, khuôn viên, đường nội bộ


Xem chi tiết

BQL MY HOUSE HỖ TRỢ THU CÁC KHOẢN PHÍ DỊCH VỤ CHO CƯ DÂN TẠI VĂN PHÒNG BQL

Để hỗ trợ Quý cư dân trong việc thanh toán các khoản phí dịch vụ cá nhân một cách thuận tiện nhất. BQL My House đã triển khai dịch vụ thu hộ (không tính phí thu hộ) các khoản phí dịch vụ ngoài phí quản lý chung cư như: phí truyền hình cáp, internet, cước điện thoại, tiền điện hàng tháng. Dịch vụ được triển khai từ ngày 1/10/2014.

MỘT TRUNG THU Ý NGHĨA CHO CÁC EM THIẾU NHI EHOME2

Tết Trung Thu rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường. Lòng vui sướng với đèn trong tay. Em múa ca trong ánh trăng rằm. Đèn kéo quân với đèn cá trắm, đèn thiên nga với đèn bươm bướm. Em rước đèn này đến cung trăng. Đèn xanh lơ với đèn tím tím, đèn xanh lam với đèn trắng trắng. Trông ánh đèn rực rỡ muôn màu…”
Tết Trung Thu là một phong tục rất có ý nghĩa. Đó là ý nghĩa của sự săn sóc, của báo hiếu, của biết ơn, của tình thân hữu, của đoàn tụ, và của thương yêu.
Tại chung cư Ehome Đông Sài Gòn 2, Tết Trung thu năm nay không chỉ là ngày hội vui chơi cho các em mà còn là lễ phát thưởng Khuyến học cho các bé có thành tích học tập xuất sắc năm học vừa qua. Mặc dù thời tiết không mấy ủng hộ cho ngày hội vui chơi của các bé, nhưng với mong muốn mang tới cho em các thiếu nhi trong cụm dân cư Ehome 2 một mùa trung thu ấm áp yêu thương Ban Quản Trị, Ban Quản Lý cùng sự ủng hộ của các đơn vị tài trợ, với sự chuẩn bị chu đáo các phương án của BTC, sự nhiệt tình của các tình nguyện viên, các cô chú trong đội Bảo vệ, vệ sinh, kỹ thuật (công ty My House) các bé vẫn được hưởng một ngày hội trung thu vui và ý nghĩa..
Một số hình ảnh trong ngày trung thu tại Ehome2:




 



Vui vẻ tham gia các trò chơi

Các bé Hớn hở khi được các chú hề nặn bóng tạo hình
Rước đèn quanh chung cư cùng các chú Lân

Hiểm họa rình rập khi trẻ ở nhà cao tầng một mình

Bé trai 5 tuổi rơi từ lan can tầng 15 chung cư dấy lên cảnh báo về hiểm nguy rình rập khi trẻ ở nhà cao tầng một mình. Theo các chuyên gia, tốt nhất không nên cho trẻ nhỏ dưới 6 tuổi tự ở nhà.

Mới đây, người bố sống tại căn hộ tầng 15 chung cư Bình Khánh (TP HCM) đã khóa cửa nhà cho con trai 5 tuổi ở một mình để đi đón cậu con lớn đang học ở trường. Một lúc sau, khi trở về người bố tìm khắp căn hộ không thấy con đâu. Đứng ở lan can nhìn xuống đất, người bố phát hiện con mình nằm bất động trên thảm cỏ. Được đưa đi cấp cứu nhưng cháu bé đã tử vong.

Trước đó, từng có nhiều vụ tai nạn thương tâm khi trẻ ở nhà cao tầng một mình cũng đã xảy ra. Khoảng 2 tháng trước, một bé trai hơn 2 tuổi tại Thái Nguyên bị chấn thương sọ não, hôn mê do ngã từ ban công cao khoảng 5m xuống đất.

Tháng 6/2013, bé 4 tuổi tử vong khi ngã từ tầng 11 tòa nhà khu đô thị bán đảo Linh Đàm (Hà Nội). Lúc bé ngủ trưa, bà nội đi ra ngoài. Khi về không thấy cháu, bà hoảng hốt đi tìm mới phát hiện sự việc. Sự việc tương tự từng xảy ra năm 2008 với một bé trai, ngã từ tầng 9 của tòa nhà xuống bãi cỏ phía trước.

Tháng 12/2003, một bé trai rơi từ tầng 7 chung cư Lý Thường Kiệt, quận 11, TP HCM khi đi ra phía ngoài lan can và rơi xuống đất, tử vong. Khi đó nhà vắng người lớn.

Trước đó, một bé gái tại Nhà Bè, TP HCM, đang ngồi chơi với chiếc iPad bên cửa sổ thì máy tính bảng rơi ra ngoài nên nhoài người với lại và bị ngã khỏi tầng 15 chung cư Phú Mỹ Thuận, tử vong. Hôm ấy thứ bảy, bé nghỉ học ở nhà cùng em gái và được bà ngoại trông. Cửa sổ căn hộ bé gái bị rơi có thiết kế cửa lùa - kính kéo ngang.
Cửa sổ căn hộ bé gái rơi là cửa kính lùa, trong khi nhiều căn hộ khác
các cư dân đã làm thêm song sắt bảo vệ. Ảnh: An Nhơn
Năm 2011, trong lúc mẹ đưa chị gái đi học, bé trai 4 tuổi (Hà Nội) ra ban công chơi và bị rơi từ tầng 9 xuống lan can tầng 2, tử vong tại chỗ. Người mẹ cho biết khi đưa cô con gái học lớp 4 đến trường, thấy con trai vẫn nằm ngủ nên chị chỉ đóng cửa sau (lối ra ban công) mà không khóa lại. Ban công của tòa nhà cao hơn một mét, dùng làm nơi giặt giũ, phơi quần áo và rửa bát.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Quý, Hội tâm lý Giáo dục Việt Nam, cố vấn đường dây tư vấn bảo vệ trẻ em 18001567 (Bộ Lao động Thương binh Xã hội), tốt nhất không nên cho trẻ nhỏ dưới 6 tuổi ở nhà một mình. “Trẻ mẫu giáo ở nhà một mình là quá nguy hiểm. Các em còn nhỏ, hay quên, ham nghịch, chưa có kinh nghiệm sống, các mối nguy rình rập xung quanh, từ lan can nhà cao tầng, ổ điện, vật dụng sắc nhọn…”, nhà tâm lý nói.

Bà cho biết nhiều nước phát triển còn không cho phép cha mẹ để con tuổi tiểu học ở nhà một mình. Ở Anh, bà từng chứng kiến một trường hợp, sau khi một bé gái lớp 3 kể với cô giáo chuyện bố mẹ cho tự chơi ở nhà một buổi thì lập tức hôm sau phụ huynh của em bị đội công tác xã hội, cảnh sát đến nhà tìm hiểu sự việc. Nhà chức trách cảnh báo nếu bố mẹ làm vậy lần nữa sẽ bị cách ly không được nuôi con trong 6 tháng.

Hiện tại, Việt Nam chưa có điều luật nào quy định như vậy nhưng để đảm bảo an toàn cho con, bố mẹ không bao giờ nên để trẻ nhỏ ở một mình, nhất là trong điều kiện cơ sở vật chất chưa đảm bảo an toàn cho trẻ.

Theo tiến sĩ Quý, với trẻ em, an toàn là nhu cầu số một cần được quan tâm (bên cạnh 4 nhu cầu khác là được yêu thương, hiểu, tôn trọng, có giá trị). Nhiều người lớn đôi khi không hiểu hết điều này và còn chủ quan. Các trường hợp tai nạn khi trẻ ở một mình dẫn tới những hậu quả đáng tiếc đã xảy ra khá nhiều.

Bà Kim Quý cho rằng, trong trường hợp bố mẹ vắng mặt ở nhà cả buổi, với trẻ tiểu học trở lên, vẫn cần thường xuyên gọi điện về để biết con đang làm gì, tình trạng ra sao… Ngoài ra, ngay khi trẻ còn nhỏ, bên cạnh việc luôn cố gắng đảm bảo an toàn cho con, phụ huynh cần dạy trẻ những kỹ năng tự bảo vệ mình trước các mối nguy trong nhà như: Không đụng vào các ổ cắm, không mở cửa cho người lạ, nhận biết các thứ có thể gây nguy hiểm cho bản thân.

Theo VNExpress
20/8/2014

Buổi tập huấn về PCCC tại chung cư EHome2

Công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) là một trong những công tác rất quan trọng nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, bảo vệ tài sản Nhà nước và của nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh và trật tư an toàn xã hội.

Để thực hiện tốt công tác PCCC trong Cộng đồng chung cư và nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm về công tác PCCC cho mỗi cư dân, cũng như đội bảo vệ chung cư, ngày 17/8/2014 Ban quản lý Nhà Tôi đã phối hợp với Công an PCCC khu vực quận 9 tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy và thực tập phương án chữa cháy tại nhà cộng đồng chung cư Ehome2.

Tham gia lớp tập huấn có 26 học viên gồm Ban chỉ huy PCCC do ông Văn Đức Thắng làm Trưởng ban, đội PCCC của Công ty và ông Bùi Văn Hà  - Giảng viên của Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy – Bộ Công An.

Tại buổi tập huấn, các học viên đã được truyền đạt những kiến thức cơ bản về PCCC, các văn bản pháp luật về PCCC; các nguyên nhân gây ra cháy nổ; một số biện pháp phòng cháy chữa cháy tại cơ quan và gia đình; giảng viên hướng dẫn cho đội PCCC sử dụng phương tiện chữa cháy tại chỗ, những kỹ năng, cách xử lý tình huống khi xảy ra sự cố cháy nổ, kỹ năng thoát hiểm, biện pháp chữa cháy.

Sau buổi học lý thuyết, Toàn thể Nhân viên đã được thực hành cách sử dụng các phương tiện bình bột, bình CO2 để dập tắt đám cháy và cách thức xử lý nhanh các tình huống có thể xảy ra.

 Đây là buổi tập huấn có sự chuẩn bị nghiêm túc về người cũng như trang thiết bị cho PCCC. Buổi tập huấn là dịp để đội PCCC của Công ty nâng cao kiến thức và ý thức trách nhiệm đối với hoạt động PCCC, qua đó chủ động trong công tác PCCC khi có sự cố cháy nổ xảy ra tại chung cư.

Một số hình ảnh của buổi tập huấn : 






Quyết định v/v công nhận Tổ phó Tổ dân phố 10, khu phố 6



Xem công văn đầy đủ về quyết định này tại đây:
https://drive.google.com/file/d/0BwXz-FYnMkaoQ1BWcDRIRGpMU2s/edit?usp=sharing 

Chiêu độc trị những kẻ để xe vô ý thức ở chung cư


Nếu quan sát cách để xe ở những nơi gửi xe đông người, nhất là ở tầng gửi xe của chung cư chúng ta sẽ dễ dàng thấy được văn hóa, con người của người đó thế nào. Suy từ bản thân mình ra, chưa bao giờ để xe bừa bãi, xe luôn được để gọn gàng có hàng có lối theo quy định.

Nhiều người cứ ỷ lại bảo nhân viên trông xe có mỗi việc sắp xe và trông xe. Nếu không sắp xe thì họ ngồi không nhận tiền à.

Đảm bảo có không ít thành phần có suy nghĩ này. Kiểu như đi đường tiện tay cũng xả luôn tờ rơi hoặc chai nước vừa uống xong xuống đường và bảo Có hề chi, việc dọn dẹp là của lao công mà. ...và hàng trăm những lý do "hợp lý khác".

Nếu ai cũng có suy nghĩ, văn hóa lùn ấy thì xã hội sẽ thế nào. Xe để chắn ngang đường thì người khác sẽ không thể nào vào tiếp được, ai cũng xả rác thì con người sẽ sống trong biển rác. Nhưng chỉ cần mỗi người chú ý một chút, ý thức được hành động của mình thì mọi thứ sẽ nhanh hơn, tốt hơn rất nhiều.

Dưới đây là hình ảnh về "chiêu trị những kẻ văn hóa lùn khi gửi xe ở chung cư" do bác Viet Cuong chụp lại. Mình ủng hộ cách làm của bác nào đó đã nghĩ ra kế độc này!



Ảnh: Viet Cuong

Nguồn: vitalk.vn

Thông báo chiêu sinh vào lớp 1 cho các bé ở EHome2

Sau đây là một số thông báo chiêu sinh Lớp 1 của các Trường Tiểu Học trên địa bàn Quận 9, dành cho cư dân phường Phước Long B: Trường TH Nguyễn Văn Bá, TH Võ Văn Hát, TH Phước Long.









Ảnh: Hoang The Vinh, từ Facebook Ehome2

BQT Thông báo v/v tiếp nhận Quỹ bảo trì Tháng 6 - 2014


Trong tháng 05 và 06 năm 2014, Ban quản trị tiếp tục nhận được tiền Quỹ bảo trì do

Công ty CP Phát triển căn hộ Nam Long chuyển; cụ thể:

- Tháng 05/2014, số tiền : 2.000.000.000 đồng (Hai tỷ đồng chẵn);
- Tháng 06/2014, số tiền : 2.000.000.000 đồng (Hai tỷ đồng chẵn);

Như vậy, tính đến ngày 04/07/2014 tổng số tiền Quỹ bảo trì Ban quản trị đã tiếp nhận là 8.000.000.000 đ (Tám tỷ đồng chẵn).

----------------------
Xem toàn văn thông báo tại đây:
https://drive.google.com/file/d/0BwXz-FYnMkaocTZkT0RhU3ZzMWM/edit?usp=sharing

Đường đến Trường Tiểu học Nguyễn Văn Bá


Từ EHome2 đi theo đường Đỗ Xuân Hợp, đến Dương Đình Hội quẹo trái đi chừng 1km thì gặp đường nho nhỏ Số 359 cắt ngang nằm bên trái, phải cực kỳ chú ý mới thấy vì con đường nhỏ xíu này, đi thẳng vào hẻm được khoảng 500m là tới trường Tiểu học Nguyễn Văn Bá.

Còn một đường khác đối diện trường Cao đẳng nghề trên đường Đỗ Xuân Hợp cũng vào được. Phóng lớn bản đồ link bên dưới sẽ rõ nhé các bạn...


Một số hình ảnh khác




Ảnh: Phạm Khánh Dương, từ Facebook EHome2

Đường đến Trường Tiểu học Nguyễn Văn Bá


Từ EHome2 đi theo đường Đỗ Xuân Hợp, đến Dương Đình Hội quẹo trái đi chừng 1km thì gặp đường nho nhỏ Số 359 cắt ngang nằm bên trái, phải cực kỳ chú ý mới thấy vì con đường nhỏ xíu này, đi thẳng vào hẻm được khoảng 500m là tới trường Tiểu học Nguyễn Văn Bá.

Còn một đường khác đối diện trường Cao đẳng nghề trên đường Đỗ Xuân Hợp cũng vào được. Phóng lớn bản đồ link bên dưới sẽ rõ nhé các bạn...


Một số hình ảnh khác




Cháy chung cư, nhiều hộ dân hốt hoảng bỏ chạy

Xe chữa cháy đến hiện trường dập lửa - Ảnh: Mậu Trường
Vụ cháy xảy ra vào khoảng 17g30 ngày 2-7 tại lầu 2 chung cư 162 Nguyễn Thị Nhỏ, P.15, Q.11, TP.HCM, nhiều người dân sinh sống tại đây hoảng loạn, bỏ chạy khỏi nhà.

Hiện trường vụ cháy - Ảnh: Hữu Khoa
Theo thông tin ban đầu, thời điểm trên, nhiều người đang tập thể dục tại công viên trước chung cư thì ngửi thấy mùi khét, sau đó họ phát hiện khói bốc lên từ một căn hộ lầu 2 thuộc lô A của chung cư.

Những hộ phía dưới lầu 1 nhanh chóng dùng bình cứu hỏa chạy lên lầu 2 dập lửa. Căn hộ bị cháy là căn hộ số 39, thời điểm bị cháy không có người ở nhà, cửa khóa ngoài. Mọi người nhanh chóng phá khóa vào dập lửa.

Theo một người dân tham gia dập lửa, khi vào phòng thì thấy ngọn lửa bốc cháy từ ổ điện và lan qua các dụng cụ bằng gỗ gần đó. Do lửa đã lan rộng nên việc dập lửa gặp nhiều khó khăn. Chỉ đến khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến, đám cháy mới được khống chế hoàn toàn.

Hiện nguyên nhân của vụ cháy đang đựơc cơ quan chức năng điều tra.

MẬU TRƯỜNG - HỮU KHOA

Báo Tuổi Trẻ (02/07/2014)

Dân chung cư ám ảnh vì thang máy

Người dân tòa nhà N5A, nơi một bảo vệ ngã từ tầng 7 thiệt mạng, vô cùng bức xúc vì hệ thống thang máy thường xuyên hỏng hóc nhiều năm nay.

Chiều 30/6, hơn 8 tiếng sau cái chết của người bảo vệ xấu số, tại toà nhà N5A cao 11 tầng (phố Hoàng Đạo Thuý, Thanh Xuân, Hà Nội) cả hai chiếc thang máy bị đóng, bên ngoài dán biển thông báo ngừng hoạt động.

17h, người tan sở, trẻ em lục tục kéo nhau leo lên cầu thang bộ trở về căn hộ của mình. Một bé chừng 3 tuổi níu tay mẹ khó nhọc bước từng bậc thang, vừa kỳ kèo hỏi mẹ: “Mẹ ơi, sao mình không đi thang máy? Sao mình phải đi thang bộ? Con mỏi chân lắm”.

Một cô gái trẻ xách túi đồ ăn thở hổn hển trước cửa căn hộ nơi cô làm giúp việc đã hai năm nay. Trong hai tiếng đồng hồ, cô là người duy nhất đi xuống rồi quay trở về căn hộ ở tầng 11.

Ông Vũ Ngọc Tiến, 70 tuổi, chủ căn hộ trên cười mệt mỏi. Ông có bốn người con đều đã lập gia đình và chuyển đi nơi khác sinh sống. Căn hộ chỉ còn vợ chồng ông, người mẹ già 96 tuổi và cô giúp việc. Ông cho hay, gia đình mình ở đây được 8 năm và khoảng 4 năm trở lại đây thang máy thường xuyên xảy ra sự cố.

Bằng chừng đấy thời gian, cả nhà ông đã quen với việc bị giam lỏng lưng chừng trời. Mọi nhu cầu mua bán đều nhờ cô giúp việc. “Hai vợ chồng tôi còn chịu chết chứ đừng nói đến mẹ tôi. Tôi đi bộ từ tầng 11 xuống thì còn chịu nổi nhưng lúc leo lên thì không biết làm thế nào”, ông Tiến thở dài.

Ám ảnh nhất với ông Tiến là lần xảy ra hỏa hoạn ở tầng 8 hồi cuối tháng 2 vừa qua. Lúc đó thang máy cũng kẹt luôn, khói mù mịt, ông chỉ biết đóng cửa ngồi im trong nhà phó mặc cho số phận vì không đủ sức cõng mẹ xuống đất.

Tòa nhà N5A - nơi xảy ra tai nạn chết người vì bước hụt vào thang máy. Ảnh: Bảo Hà.
“Tôi khiếp thang máy lắm rồi. Tôi nhớ không nhầm thì từ năm 2010 đến nay đã có ba lần sửa chữa lớn, một lần do công ty quản lý nhà trả tiền còn hai lần thì bà con chúng tôi tự đóng góp. Lần nào thang hỏng, ông tổ trưởng cùng mấy cụ cao tuổi trong tòa nhà cũng lên công ty kêu khổ, lần nào họ cũng hứa rồi để đó. Từ khoảng 4 đến 6 tháng gần đây thì thang hỏng liên miên… Chắc là tôi phải bán nhà thôi”, ông Tiến than thở.

Đứng cạnh người bảo vệ xấu số lúc gặp nạn, ông Nguyễn Như Kết vẫn ám ảnh: “Ông ấy nói đi cùng tôi từ tầng một lên tầng bảy để kiểm tra thang xem như thế nào. Lên tới nơi, ông ấy lấy chìa khóa mở thang máy, cứ thế bước vào, rồi rơi xuống. Tôi đứng đó mà không biết làm gì”.

Sống ở căn hộ 704, Nguyễn Như Kết là tổ trưởng dân phố số 50, phường Nhân Chính (gồm các tòa nhà N5A, N5B, N5C). Ông Kết cho biết, gia đình ông cũng như hơn 80 hộ gia đình ở tòa nhà N5A và hơn 90 hộ gia đình ở hai tòa nhà N5B, N5C bên cạnh phần lớn là dân tái định cư sau dự án thu hồi đất ở đường Khuất Duy Tiến để mở đường vành đai 3.

Gia đình ông Kết chuyển về đây sinh sống năm 2006. Ông là bộ đội về hưu còn vợ ông trước đây buôn bán kiếm sống. Từ khi chuyển về căn hộ tầng 7 này, bà không buôn bán được nữa mà đi làm thuê, giờ già thì nhận trông trẻ.

“Bà con chúng tôi đã tình nguyện giao đất cho nhà nước, đến giờ chưa nhận được hết tiền đền bù, công ăn việc làm bấp bênh. Tất cả những cái đó đã đủ khổ, vậy mà đến cái thang máy cũng không được đảm bảo. Tôi làm tổ trưởng ba năm nay, chẳng mấy ngày bà con trong tổ không đến kêu than về các dịch vụ của tòa nhà, mà nhiều nhất là thang máy”, ông Kết bức xúc.

“Cách đây nửa tháng, tôi phải làm đơn trình báo và kêu gọi công ty quản lý nhà sửa thang máy. Cầu thang số một đã trục trặc hơn một tháng. Thế nhưng, Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội nói với chúng tôi rằng từ 1/4 sẽ không bảo dưỡng thang máy. Họ nói theo quy định, những hộ ở tòa nhà N5A phải tự bỏ tiền ra sửa chữa bất cứ hỏng hóc nào trong chung cư”, ông Kết cho biết thêm.

“Chúng tôi cũng chẳng biết kêu ai đành thành lập tổ tự quản. Bà con cũng nhất trí mỗi hộ đóng góp một khoản tiền để sửa chữa thang máy. Thời gian này, chúng tôi đang chờ vật tư, ai ngờ chuyện xấu lại xảy ra bất thình lình như vậy”, ông Kết giãi bày.

Thang máy số một bị hỏng từ tháng 4 nhưng chưa được sửa chữa khiến người dân bức xúc. Ảnh: Bảo Hà.
Không chỉ tòa nhà N5A, hai tòa nhà N5B và N5C, dù số hộ gia đình sống ít hơn, số thang máy nhiều hơn nhưng tình trạng hỏng hóc cũng thường xuyên xảy ra. Người dân chung nhận định, bây giờ lo lắng nhất là trẻ nhỏ vì để chúng đi thang bộ rất tội nhưng đi thang máy thì lo ngay ngáy.

Luật sư Vũ Tiến Vinh, Công ty luật Bảo An, Đoàn Luật sư Hà Nội cho hay, theo quy định của Bộ luật Dân sự thì phương tiện giao thông vận tải cơ giới (gồm cả thang máy) là nguồn nguy hiểm cao độ, đòi hỏi chủ tài sản hoặc người quản lý hợp pháp phải có trách nhiệm đặc biệt trong việc bảo vệ, ngăn chặn nguy cơ tai nạn do tài sản của mình gây ra. Theo quy định tại khoản 3 Điều 623 Luật Dân sự thì chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại.
Theo quy định của pháp luật về quản lý và vận hành chung cư thì Ban quản lý tòa nhà có trách nhiệm khắc phục, sửa chữa kịp thời các hạng mục thuộc phạm vi quản lý của mình. Việc để thang máy hỏng nhiều tháng mà không sửa chữa là vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ quản lý, vận hành thiết bị; Không sửa chữa kịp thời ảnh hưởng đến quyền lợi trong việc đi lại của cư dân trong khi họ vẫn phải đóng phí dịch vụ là không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, việc người dân nhiều lần yêu cầu Ban quản lý sửa chữa mà không đạt kết quả và tự ý thuê thợ đến sửa chữa là không nên bởi đây là trách nhiệm của Ban quản lý, không phải trách nhiệm của người dân. Nếu Ban quản lý không sửa thì người dân có quyền kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền, thậm chí khởi kiện ra tòa.

Bảo Hà

Nguồn: vnexpress.net (01/07/2014)

Hàng trăm người tháo chạy khỏi chung cư 24 tầng phát hoả

Sáng 23/6, chung cư Copac Square trên đường Tôn Đản, quận 4, TP HCM bốc cháy khiến hàng trăm người đang làm việc và sinh sống tại đây tháo chạy xuống đất.

Cụ Nguyễn Thị Hai (94 tuổi) được người nhà bồng từ tầng 21 xuống đất. Ảnh: An Nhơn
Khoảng 10h, lửa bốc lên từ tầng 22 block giữa của chung cư Copac Square, khói cuồn cuộn len lỏi vào các căn hộ gần đó khiến mọi người hoảng loạn tháo chạy. "Nghe chuông báo cháy, tôi bế đứa cháu nhỏ chạy bộ xuống đất. Lúc đó, điện đã ngắt, thang máy không còn hoạt động", bà Sáu ngụ ở tầng 20 kể.

Hàng trăm người khác, trong đó có nhiều trẻ nhỏ, cụ già và người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại đây chạy theo thang bộ xuống đất trong cảnh hỗn loạn. Bảo vệ cũng tích cực hướng dẫn mọi người thoát hiểm và tham gia bồng bế những người già yếu ra khu vực an toàn.

"Trong nhà không có thanh niên, chỉ có phụ nữ và cụ già không đi được. Chúng tôi vất vả mãi mới bồng được cụ từ tầng 21 xuống", người nhà cụ Nguyễn Thị Hai (94 tuổi) thở hổn hển nói.

Căn hộ nằm ở block giữa chung cư bị cháy đen. Ảnh: An Nhơn
 Lực lượng chữa cháy quận 4 cùng xe thang huy động đến hiện trường ứng cứu. Đám cháy nhanh chóng được dập tắt sau đó. Thông tin ban đầu, không có thương vong về người, song căn hộ ở tầng 22 và những căn nằm ở trên bị cháy đen.

Đến 10h30, dù đám cháy đã được dập tắt, nhiều người vẫn chưa trở lại nhà. Lo sợ  lửa bùng phát trở lại, nhiều người di tản đến ở tạm ở nhà người quen. Trong khi đó, hàng trăm nhân viên làm việc tại đây được công ty cho nghỉ làm.

Đến 11h trưa, nhiều người vẫn chưa dám trở lại nhà. Ảnh: An Nhơn
Cao ốc căn hộ Copac Square tọa lạc tại số 12 Tôn Đản (phường 13, quận 4) được thiết kế với 22 tầng cao và 2 tầng hầm, trong đó có 4 tầng cho các văn phòng thuê và mặt bằng bán lẻ ngay tại tầng trệt. Tòa nhà cách cầu Khánh Hội, nối quận 1 và quận 4, khoảng 700 m. Phía ngoài cao ốc còn treo băng rôn: "Nhiệt liệt hưởng ứng tuần lễ quốc gia về an toàn vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ lần thứ 16 năm 2014".

Cơ quan chức năng đang làm rõ nguyên nhân và thiệt hại.

An Nhơn
Nguồn: vnexpress (23/6/2014)